Cuộc đời có những ngã rẽ bất ngờ, có khi quyết định đến sự nghiệp của một con người. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt (TX.Tân Uyên) là một trong những trường hợp như thế.
Bỏ nghề báo đi làm gỗ
Thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Liêm là một phóng viên thích phiêu lãng. Hành trình làm báo của ông trải qua các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Đồng Nai, rồi một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Ấy vậy, đứng trước vận hội lớn khi đất nước mở cửa, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ…, chàng phóng viên Nguyễn Liêm đã thấy một ngã rẽ đầy bất ngờ trong cuộc đời của mình, khi thấy rõ con đường kinh doanh đã rộng mở. Thế rồi năm 1994, bỏ ngang nghề báo, ông Liêm xin vào làm tại một công ty gỗ. Trở thành người học nghề thợ mộc từ một phóng viên, ông Liêm có lợi thế là nắm bắt khá nhiều thông tin về thị trường gỗ đang rất có tiềm năng và tin rằng lựa chọn của mình theo nghề này là hướng đi đúng.
Ông Liêm (trái) đang hướng dẫn công nhân vận hành dây chuyền sản xuất Ảnh: PHÙNG HIẾU
Sau gần 10 năm lăn lộn hàng chục công ty, năm 2002 ông Liêm đã mạnh dạn mở công ty chế biến gỗ. Công ty gỗ Phước Thắng được thành lập tại TX.Dĩ An bằng số tiền ông mượn của bạn bè và người thân trong gia đình. Ban đầu, công ty hoạt động với quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu gia công đơn hàng cho các công ty lớn. Những năm sau đó, Công ty Phước Thắng đã có những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô sản xuất và chủ động tìm thị trường xuất khẩu.
Năm 2008, Công ty Phước Thắng chính thức được cổ phần hóa và trở thành Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt, với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là thời kỳ tỉnh Bình Dương tăng tốc phát triển và trở thành thủ phủ gỗ của cả nước. Trong điều kiện đó, Công ty Lâm Việt không ngừng phát triển, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, đời sống công nhân lao động vì thế cũng ngày càng được nâng lên.
Chất lượng quyết định thành công
Đang lúc công ty ăn nên làm ra thì cơn bão khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 đã nhấn chìm mọi cố gắng của ông Liêm. Thời điểm đó, lãi suất ngân hàng từ 8%/năm đã nhảy vọt lên 25%/năm, Công ty gỗ Lâm Việt đứng bên bờ vực phá sản. Tất cả vốn liếng, tài sản của mình ông Liêm đều đổ vào công ty gỗ; trong khi thị trường gỗ bị thu hẹp, nợ ngân hàng, nợ lương công nhân khiến ông một phen lao đao. Từ sự việc này, ông mới thấm thía bài học “không bao giờ bỏ trứng trong một rổ”. Giai đoạn này, ngành gỗ của Bình Dương cũng bị thiệt hại nặng nề, hàng chục công ty phá sản và giải tán. Riêng Công ty Lâm Việt vẫn cầm cự được trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Ông Liêm tâm tình, phép màu giúp công ty vượt qua khó khăn chính là chất lượng sản phẩm. Thị trường thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, nhưng nhờ uy tín chất lượng sản phẩm nên Công ty gỗ Lâm Việt vẫn “lai rai” có đơn hàng. Tuy giá trị đơn hàng thời điểm khó khăn đó rất thấp nhưng đã giúp công ty duy trì hoạt động sản xuất cho tới khi cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu đi qua. Khi kinh tế thế giới phục hồi, các đối tác lại tìm đến Lâm Việt, bởi chất lượng sản phẩm đã trở thành thương hiệu của của công ty.
Sau cuộc khủng hoảng của ngành gỗ, ông Liêm đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Đến nay, ngoài ngành gỗ, ông Liêm còn đầu tư ra các lĩnh vực khác như địa ốc, cổ phiếu, nhà hàng, du lịch… Đây cũng là cách ông tránh bớt rủi ro như đã từng xảy ra. Ông Liêm chia sẻ kinh nghiệm, rất nhiều bạn trẻ hôm nay háo hức khởi nghiệp, họ đang có rất nhiều hoài bão, nhưng cũng còn đó nhiều phân vân là sản xuất gì, kinh doanh dịch vụ gì để mau có lợi nhuận. Khi khởi nghiệp, vốn liếng và ý tưởng rất quan trọng. Các bạn trẻ đừng nóng vội làm giàu, bởi kinh nghiệm cũng chính là một yếu tố quyết định cho thành công trong việc kinh doanh. “Đừng sợ hãi, hãy mạnh dạn dấn thân và đừng bao giờ ngại là một anh thợ học việc”, ông Liêm nói.
PHÙNG HIẾU