Đừng thờ ơ với bảo hiểm y tế

Cập nhật: 25-05-2017 | 09:11:34

Theo Thông tư 02 của Bộ Y tế, kể từ 1-6-2017, 1.916 dịch vụ y tế sẽ tăng giá. Bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí (tùy theo đối tượng), còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Lợi ích từ BHYT mang lại lớn, thế nhưng, đến nay vẫn còn một số hộ dân trên địa bàn tỉnh chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân vì sao một số hộ dân vẫn còn thờ ơ với BHYT?

 Tự tin vào sức khỏe

Theo kết quả khảo sát của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên dân số đông nhưng số người tham gia BHYT rất thấp, có thể nói thấp nhất, nhì của tỉnh. Chị Nguyễn Thị Duyên, tổ 3, ấp 1, xã Hội Nghĩa cho biết, gia đình chị có 3 người chưa tham gia BHYT. Theo lý giải của chị, chồng chị không cho mua BHYT vì mỗi lần khám phải chờ lâu để hoàn tất các thủ tục. Trong khi đó, khám dịch vụ nhanh hơn và được bác sĩ quan tâm, dặn dò kỹ lưỡng.

Người dân đăng ký khám bệnh BHYT khá đông tại Bệnh viện tỉnh

Đối với người dân địa phương như chị Duyên thì giải thích vậy, còn một số hộ dân ngoài tỉnh đến Bình Dương lập nghiệp lại viện nhiều lý do khác nhau để không tham gia BHYT. Trong đó, rất nhiều người chủ quan vào sức khỏe của mình và đưa ra những suy nghĩ: “khỏe như thế này đâu có bệnh gì”; “mua xong BHYT rồi cả năm có dùng đâu…”. Trường hợp gia đình bà Trần Thị Lan, ở trọ tại phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên là điển hình. Bà Lan nói: “Nhà tôi không tham gia BHYT, mua chi tốn tiền, với lại sức khỏe rất tốt, đi làm thuê vất vả mà chỉ thỉnh thoảng cảm cúm lặt vặt nên đến nhà thuốc tây mua vài viên thuốc uống rồi lại tiếp tục đi làm, cần gì tham gia BHYT”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, số người dân tham gia BHYT chưa cao còn rơi vào đối tượng là học sinh, sinh viên ở các trường trên địa bàn tỉnh. Theo cán bộ làm công tác BHYT tại các huyện, thị, thành phố, số lượng học sinh không tham gia BHYT còn khá nhiều. Tại TX.Tân Uyên điển hình có trường tiểu học: Tân Hiệp, Hội Nghĩa… Một số phụ huynh lấy lí do, có năm mua cho con nhưng không sử dụng lần nào nên tiếc tiền. Một số phụ huynh khác thì suy nghĩ, con nít có bệnh cùng lắm bệnh xoàng chỉ cần cho uống thuốc là khỏi nên không mặn mà tham gia BHYT…

Chưa nhận thức đầy đủ về chính sách, quyền lợi BHYT

Dẫu biết rằng, BHYT đang là tự nguyện nên không có một chế tài nào bắt buộc người dân phải đi mua bảo hiểm. Thế nhưng cái cần là việc tác động từ ý thức đến hành động để người dân tự tìm đến mua bảo hiểm cho bản thân. Đó cũng là chủ trương chung của BHXH Việt Nam, của BHXH tỉnh. 

Trong khi đó hộ bà Nguyễn Thị Duyên vẫn còn xa lạ
khi cầm tấm thẻ BHYT trên tay

Nói là vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên, công tác tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu” ở một số địa phương chưa thật sự tốt. Đến một số xã vùng xa của tỉnh, người dân chủ yếu làm nông, ít tiếp cận công nghệ thông tin nên vẫn còn “lơ mơ” với lợi ích từ BHYT mang lại. Theo chỉ đạo của ngành Thông tin - Truyền thông, hệ thống đài truyền thanh phải liên tục phát tin kêu gọi người dân tự nguyện mua BHYT. Hay cán bộ y tế, cán bộ trẻ em - giảm nghèo của xã, phường, thị trấn phải đến vận động người dân. Thế nhưng đối với người dân điều này vẫn còn “xa xỉ”.

Tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, ông Lê Trung Dũng, cán bộ văn hóa xã cho biết, hiện trên địa bàn xã có 65 cụm loa, mỗi cụm 4 cái loa. Mỗi tháng, chương trình phát thanh tuyên truyền về những lợi ích của BHYT phát hai lần, mỗi lần 10 phút. Ngoài ra, xã còn tuyên truyền thông qua hình thức lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, đoàn thể; tuyên truyền thông qua cộng tác viên dân số… Tuy nhiên, địa phương rộng, hệ thống loa ít nên khó đưa thông tin đến với mọi người. Còn về số người tham gia BHYT ít do người dân trên địa bàn là dân tộc thiểu số, một số hộ trình độ nhận thức còn hạn chế, cuộc sống còn nhiều khó khăn lại sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền chính sách BHYT không dễ dàng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách cũng như quyền lợi mà BHYT mang lại nên chưa mặn mà tham gia.

Sẽ chịu thiệt...

Trao đổi với bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh, chúng tôi được biết, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã hết sức nỗ lực để duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHYT đạt các chỉ tiêu cấp trên giao, tạo nguồn thu lớn để bảo đảm thực hiện tốt chính sách BHYT cho người tham gia trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều người dân trong tỉnh chưa hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm tham gia nên tỷ lệ mặc dù có tăng qua từng năm nhưng chưa được cao. Cụ thể, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT từ 74,8% vào năm 2014 tăng lên 78% trong năm 2015 và đạt 79,04% vào năm 2016, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao 0,44%. Trong đó, tỷ lệ tham gia của đối tượng theo hộ gia đình mới chỉ đạt 60,54% với 196.534 người.

Nói về công tác tuyên truyền tại các địa phương, bà Lê Minh Lýcho biết, cũng như các chính sách pháp luật khác, để tổ chức, cá nhân và người dân nói chung chấp hành và thực hiện tốt BHYT thì cần phải tuyên truyền, phổ biến để họ nhận thức rõ về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và trở thành ý thức tham gia. Thế nhưng hiện nay công tác tuyên truyền vẫn chưa thật sự tốt, sâu rộng. Do đó thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể về chủ trương thực hiện BHYT toàn dân của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền phải bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; mở rộng mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền và thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao.

Riêng đối với Thông tư số 02/2017/TT-BYT của BộY tế sẽ được áp dụng vào ngày 1-6-2017, bà Lê Minh Lý nhấn mạnh, thông tư này chính thức được áp dụng thì giá viện phí của hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng từ 2 - 3 lần so với giá cũ và sẽ do người bệnh chi trả 100%. Người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả thay chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng theo mức hưởng 80%, 95% hoặc 100% tùy theo từng đối tượng. Bệnh nhân không có thẻ BHYT phải chi trả toàn bộ 100% chi phí khám chữa bệnh và khoản tiền người bệnh không có thẻ BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ; đặc biệt là đối với những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo… thì chi phí có thể là hàng trăm triệu đồng.

Thực tế thì từ trước đến nay, do mức giá dịch vụ y tế còn thấp nên nhiều người không tham gia BHYT mà tự bỏ tiền túi để chi trả chi phí khám chữa bệnh. Nay theo giá dịch vụy tế được điều chỉnh, người dân sẽ thấy được lợi ích thiết thực, tính nhân văn của chính sách BHYT là chỉ phải đóng góp một mức nhỏ để tham gia nhưng khi chẳng may bị ốm đau, bệnh tật sẽ được quỹ BHYT chi trả, giảm được rất nhiều chi phí và tránh tình trạng kiệt quệ tiền bạc vì chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ.

Ở Bình Dương, theo quy định mới của việc tăng dịch vụ y tế, tiền khám tối đa bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/ lượt (giá cũ 15.000 đồng/lượt); hạng 2 là 35.000 đồng/lượt (giá cũ 11.000 đồng/lượt); hạng 3 là 31.000 đồng/lượt (giá cũ 8.000 đồng/lượt) và bệnh viện hạng 4, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt (giá cũ 5.000 đồng/ lượt). Tương tự, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng (giá cũ 251.000 đồng/ ngày); đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc có các mức tương ứng: Tại bệnh viện hạng 1 là 335.900 đồng/ ngày (giá cũ 112.000 đồng/ngày), hạng 2 là 279.100 đồng/ ngày (giá cũ 75.000 đồng/ngày), bệnh viện hạng 3 là 245.700 đồng/ngày (giá cũ 53.000 đồng/ngày) và bệnh viện hạng 4 là 226.000 đồng/ngày (giá cũ 35.000 đồng/ngày).

 

T.LÝ - H.THỦY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1064
Quay lên trên