Từ sau thất bại của U22 Việt Nam, bóng đá nước nhà liên tiếp xảy ra nhiều biến cố, tranh cãi giữa nhiều bên khiến cho bức tranh ngày càng ảm đạm. Nên dừng lại hay tiếp tục, có lẽ những người trong cuộc sẽ hiểu hơn ai hết vấn đề này. Bởi có nói thêm bao nhiêu lâu nữa thì chúng ta cũng đã thất bại, đứng lên để làm lại mới là điều nên làm vào lúc này.
Nói cho qua đi nỗi đau SEA Games 29 ngay thời điểm này, thật sự người hâm mộ và giới chuyên môn không thể nào quên ngay được. Bao nhiêu kỳ vọng, niềm tin đã chấm hết sau khi thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng không thể vượt qua vòng bảng, đoàn quân áo đỏ phải xách valy về nước theo kịch bản mà không ai muốn nghĩ đến. Nỗi đau đó còn dài, những tín đồ của môn thể thao vua không thể quên đi trong ngày một ngày hai. Hơn ai hết, người hâm mộ là người thấm được nỗi đau đó nhất. Và những Công Phượng, Xuân Trường hay Duy Mạnh đau khi phải nhận lấy thất bại ở kỳ SEA Games cuối cùng mà họ còn đủ tuổi tham dự. Đau… rất nhiều nỗi đau hiện hữu, họ đau vì tình yêu với trái bóng tròn, đôi khi vô tình lăn đi theo kiểu may mắn ngoảnh mặt. Để lại sau lưng nhiều sự nuối tiếc. “Thất bại là mẹ của thành công”. Nhưng thất bại hoài sẽ tạo nên nhiều hệ lụy không hay. Và bóng đá Việt Nam, người hâm mộ trên dải đất hình chữ S cũng đã dần quen với sự hụt hẫng, nỗi đau, là nước mắt lên trên khóe mi mỗi khi ĐT Việt Nam gục ngã trước cửa thiên đường. Nhưng không có gì là mãi mãi, nỗi đau sẽ không kéo dài thêm nếu “kẻ thất bại” đứng lên mạnh mẽ và vững vàng hơn từ hố sâu của nỗi đau “thất bại”.
Bóng đá Việt Nam phải nhanh chóng quên đi thất bại ở SEA Games 29. Ảnh: HẢI ANH
Và để “kẻ thất bại” có thể vùng dậy mạnh mẽ, ngoài sự quyết tâm, ý chí muốn thay đổi thì vẫn cần lắm sự khoan dung, vòng tay bao bọc che chở của dư luận. Liều thuốc tinh thần tâm lý thì gần như vô giá, rất đặc biệt trong thể thao, nhất là ở những môn mang tính đối kháng cao như bóng đá thì liều thuốc cực kỳ quan trọng. Có lẽ, Công Phượng và các đồng đội ở U22 Việt Nam không hề mong muốn những cuộc luận tội của những bậc cha chú ở VFF với bầu Đức, hay cuộc phản pháo của HLV Nguyễn Hữu Thắng đánh thẳng vào VFF. Ở đó, tất cả mọi nguyên nhân được viện dẫn là từ “thất bại” của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Các tuyển thủ không muốn, người hâm mộ chân chính càng không muốn khơi dậy nỗi đau của những thần tượng của mình. Bởi tình yêu bóng đá không có câu trả lời, mà khi đã yêu làm sao lại có lỗi, càng không có lý do vì sao tôi yêu bóng đá. Nếu có câu trả lời thì hơn 90 triệu dân Việt Nam yêu bóng đá sẽ cho ra hơn 90 triệu câu trả lời vì sao tôi yêu em.
Cầu thủ muốn quên đi, người hâm mộ muốn giấu nỗi đau vào lòng và vẫn tiếp tục yêu thương. Vậy thì tại sao lãnh đạo VFF, HLV Nguyễn Hữu Thắng, bầu Đức và cả những người có liên quan lại cứ phải làm nỗi đau thêm dài. Có nó thêm thì cầu thủ họ càng mặc cảm, người hâm mộ càng thấy đau vì tình yêu họ đã trót yêu. Và điều quan trọng là chúng ta đã thất bại, nói nữa, nói mãi cũng không thay đổi được gì nhiều. Tạm gác nỗi đau sang một bên, biến đau thương thành hành động, tìm ra hướng đi và cách giúp bóng đá Việt Nam phát triển mới là điều cần làm lúc này. Nên nhớ, khi chúng ta còn mải mê ngồi đây đổ lỗi qua lại cho nhau thì Thái Lan chỉ trong vòng một tháng họ đã giành hai tấm huy chương vàng SEA Games 29 và U18 Đông Nam Á. Bớt đi một ngày chỉ trích nhau để ngồi lại tìm hướng đi. Bớt chút thời gian ngồi nghĩ cách phản pháo lại lời nói của một ai đó để nghĩ về tương lai. Mỗi người một ý tưởng, một bàn tay thì ngày bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh vinh quang sẽ nhanh hơn một ngày, một giờ, một phút, một giây.
Đừng làm nỗi đau thêm dài khi những người trong cuộc gần như đã rất đau, đau nhiều lần rồi. Đừng khơi dậy vết thương mà rất nhiều người đang muốn chôn sâu vào quá khứ để hướng đến tương lai. Cứ thử làm đi rồi thành công sẽ đến, sau cơn mưa trời sẽ sáng và ngày mai chính là sự nối tiếp của quá khứ, tương lai tất nhiên sẽ phải khắc phục và làm tốt hơn những gì mà quá khứ đã vấp phải.
HÙNG CƯỜNG