Trong một chiến dịch mới, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) chỉ đạo cho Ban giám hiệu các trường trung học khắp nước Mỹ có nhiệm vụ báo cáo về những học sinh thường chỉ trích các chính sách của chính quyền và có nguy cơ trở thành phần tử khủng bố.
Dựa trên chương trình giám sát hàng loạt “chống khủng bố” vốn không được dư luận đồng tình của Anh, chiến dịch của FBI – gọi là “Ngăn ngừa tư tưởng cực đoan trong trường học” – được tiết lộ vào tháng 1-2016 chắc chắn được thiết kế nhằm mục đích chống lại các cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ.
Hệ thống camera giám sát được lắp đặt dày đặc trong các thành phố nước Mỹ.
Tài liệu hướng dẫn của FBI cảnh báo “học sinh trung học là mục tiêu tuyển mộ lý tưởng của bọn cực đoan tìm kiếm sự ủng hộ cho hệ tư tưởng của chúng, các mạng lưới chiến binh nước ngoài hay tiến hành những hành vi bạo lực bên trong biên giới chúng ta”. Trước mối đe dọa như thế, giới chức FBI chỉ đạo cho các giáo viên đưa khóa huấn luyện chống tư tưởng cực đoan cho học sinh vào chương trình chính.
Theo tài liệu hướng dẫn của FBI, các nhà trường trung học có nhiệm vụ báo cáo về những đối tượng mang những dấu hiệu như: có kế hoạch sử dụng bạo lực, nói chuyện về việc đi đến những nơi nguy hiểm, sử dụng các từ mã hóa hay ngôn ngữ bất thường, sử dụng vài chiếc điện thoại di động và ứng dụng thông điệp riêng tư và nghiên cứu hay chụp hình những mục tiêu nhạy cảm như là toà nhà chính quyền.
Ngoài ra, tài liệu hướng dẫn của FBI cũng mô tả Internet là “nền tảng” cho tư tưởng cực đoan, đồng thời cảnh báo game trực tuyến “đôi khi được sử dụng để giao tiếp, huấn luyện hay sắp đặt âm mưu khủng bố”.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định chương trình mã hóa thực tế được sử dụng với mục đích bảo vệ chống lại hoạt động gián điệp từ chính quyền, mối đe dọa đánh cắp dữ liệu cá nhân cũng như bảo mật cho những giao dịch tài chính cá nhân.
Tài liệu hướng dẫn mới của FBI không chỉ nhắm mục tiêu vào những học sinh Hồi giáo, mà còn đề cập đến những mối đe dọa khác như là bọn cực đoan chống phá thai và ủng hộ người da trắng. FBI cũng xếp tổ chức Liên minh Phòng thủ Do Thái (EDL) bên cạnh Hezbollah và Al-Qaeda – những tổ chức nguy hiểm cho giới trẻ ở Mỹ.
Chương trình chống cực đoan bạo lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama chịu ảnh hưởng mạnh từ một chương trình tương tự của Anh, trong đó chủ yếu tập trung gián điệp các cộng đồng người Hồi giáo và từng gây tranh cãi dữ dội trong xã hội ngay từ khi mới ra đời.
Được chính quyền Anh triển khai lần đầu tiên sau vụ đánh bom khủng bố London năm 2005, chương trình gián điệp hàng loạt “ngăn ngừa tư tưởng cực đoan bạo lực” được thiết kế đặc biệt nhằm giám sát chặt chẽ cũng như cảnh giới đối với các cộng đồng người Hồi giáo kể cả dân thường. Chương trình bị chỉ trích kịch liệt và coi đó như là hành vi đàn áp cũng như bêu xấu những người Hồi giáo Anh vào năm 2010.
Theo tiết lộ từ nhóm nhân quyền CAGE đặt trụ sở tại London, chương trình gián điệp trên còn bao gồm cả việc thẩm vấn học sinh mà không cần hỏi ý kiến của bậc cha mẹ. Năm 2015, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder thông báo về chương trình chống cực đoan bạo lực ở Nhà Trắng và sau đó cho triển khai thí điểm tại 3 thành phố lớn Boston, Minneapolis và Los Angeles.
Theo Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR), chương trình chỉ tập trung vào mục tiêu người Hồi giáo ở mỗi thành phố.
Một tuyên bố từ gần 50 tổ chức Hồi giáo trong khu vực Minneapolis nêu rõ: “Những bất công diễn ra trong quá khứ đã dạy rằng chúng ta nên lo ngại khi chính quyền đánh giá lại thẩm quyền về đạo đức và pháp lý của họ nhằm phản ứng lại mối đe dọa an ninh quốc gia. Chúng tôi khuyến cáo chính quyền cần ngưng đầu tư vào những chương trình chỉ nhằm bêu xấu, gây chia rẽ và cách ly các cộng đồng chúng tôi ra khỏi xã hội”.
Bất chấp mọi chỉ trích, chính quyền Mỹ vẫn cho mở rộng chương trình ngăn ngừa cực đoan bạo lực đến mọi trường trung học trên cả nước.
Theo CAND