Gắn đào tạo lao động với nhu cầu của doanh nghiệp

Cập nhật: 28-07-2017 | 07:55:56

 Hiện nay, việc đẩy mạnh liên kết giữa các trường dạy nghề với doanh nghiệp (DN) trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, phù hợp với nhu cầu của DN là một xu thế tất yếu.

 DN cần nguồn lao động tay nghề cao

Bình Dương là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh của cả nước. Lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp khá dồi dào và chất lượng lao động đang ngày càng nâng cao. Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, Bình Dương đứng vị trí thứ 4, tăng 21 bậc so với năm 2015, tương ứng với mức tăng là 4,98 điểm; trong đó các chỉ số tăng điểm cao nhất là chỉ số chi phí không chính thức (tăng 1,34 điểm), đào tạo lao động (tăng 0,75 điểm). Theo các chuyên gia, để đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của tỉnh nhà, trong thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đẩy mạnh chương trình hướng nghiệp, đào tạo gắn với thực tế.

Các DN tin tưởng trong thời gian tới, thị trường lao động trong tỉnh sẽ phát triển đồng bộ, chất lượng cao. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TPR Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Thực tế nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao của DN trong tất cả các ngành nghề hiện nay là rất lớn. Tuy vậy, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động có tay nghề cao. Ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty Liên Thanh (TX.Bến Cát) cho biết, điển hình như DN ngành gỗ. Năng suất lao động trong ngành này không được cải thiện nhiều, trong khi chi phí tiền lương và các khoản chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động lại ngày càng tăng.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương nói, chương trình đào tạo của các trường hiện nay và nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp còn nhiều khoảng cách. Lao động ngành dệt may hiện nay vừa thừa vừa thiếu, nhất là đội ngũ thiết kế và quản lý. Ngành dệt may còn gặp khó trong vấn đề bình ổn lao động, do kỷ luật lao động, ý thức, tác phong công nghiệp của người lao động còn thấp. Thực tế cho thấy, phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, mang tác phong sản xuất nông nghiệp, chưa thực hiện đúng nội quy về giờ giấc và hành vi; nhiều lao động còn chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc... Với thực trạng lao động như vậy, đây là thách thức không nhỏ đối với ngành dệt may của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Đào tạo gắn với nhu cầu của DN

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội công bố năm 2016, hơn 91% DN trong cả nước gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ thuật; chỉ có 20% số DN được hỏi có hợp tác thường xuyên với các cơ sở đào tạo, song phương thức hợp tác chủ yếu là hỗ trợ và tiếp nhận học viên thực tập, còn các hình thức khác như cùng xây dựng chương trình đào tạo hay gửi lao động đến cơ sở đào tạo còn rất hạn chế.

Đề xuất hướng giải quyết cho ngành dệt may, bà Trang cho rằng các trường cần liên kết chặt chẽ với các công ty khi xây dựng chương trình đào tạo. Điều này sẽ giúp học viên sau khi ra trường có thể thực hành ngay, tránh tình trạng như hiện nay là hầu hết các công ty sử dụng lao động đều phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

Một tín hiệu đáng mừng là tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đã làm việc với trường Cao đẳng Nghề công nghệ và nông lâm Nam bộ về việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho ngành gỗ. Theo đó, nhà trường ban hành chương trình đào tạo gắn kết với hoạt động sản xuất của các DN. Trong thời gian tới, nhà trường và BIFA sẽ tổ chức hội thảo hướng nghiệp - đào tạo nhằm gắn kết hoạt động đào tạo với giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Khi nhận sinh viên thực tập, DN sẽ trả lương, kèm theo những yêu cầu ràng buộc để sinh viên có trách nhiệm cao hơn trong công việc. Về phía nhà trường, sẽ cử cán bộ chuyên môn bám sát hoạt động sản xuất của DN nhằm theo sát tình hình thực tế để dạy cho sinh viên, học viên kiến thực phù hợp hơn. Bên cạnh đó, nhà trường và BIFA sẽ có một bộ phận đảm nhận vai trò liên kết giữa 2 bên nhằm giúp sinh viên, học viên tiếp cận với máy móc hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến…

Từ cách làm nói trên của BIFA, có thể thấy rằng trách nhiệm của DN đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc tham gia phát triển dạy nghề, tăng đầu tư vào nguồn nhân lực nói chung và đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề nói riêng là rất lớn. Các DN cũng mong muốn ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện để tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa đào tạo chuyên môn kỹ thuật và hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nguồn lao động chất lượng cao.

Hy vọng, với quyết tâm và các chính sách đồng bộ của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, cùng sự chung tay của DN và tinh thần cầu thị của các trường nghề, trong thời gian tới thị trường lao động trong tỉnh sẽ phát triển đồng bộ, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh nhà.

 Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có 7 trường đại học, 14 trường cao đẳng, trung cấp nghề, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 35 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=984
Quay lên trên