Song song với thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Phú Giáo cũng đề ra chủ trương gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với phát triển du lịch sinh thái, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Khu Suối Rạc dọc địa bàn xã An Bình và Tam Lập đã được huyện Phú Giáo quy hoạch địa điểm du lịch và mời gọi đầu tư
Huyện Phú Giáo có hồ thủy lợi Phước Hòa với cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, còn hoang sơ. Đặc biệt, dòng Suối Rạc dọc địa bàn xã An Bình và Tam Lập, khu hang Cọp thuộc xã Tam Lập có cảnh tự nhiên đẹp, hấp dẫn. Trên địa bàn huyện còn có 3 di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm Di tích chùa Bửu Phước, Di tích cầu Sông Bé... Về du lịch văn hóa tâm linh, trên địa bàn huyện có 15 ngôi chùa và Thiền Viện, tập trung chủ yếu trên tuyến đường ĐT741, thuận lợi cho việc kết nối các tour, tuyến du lịch. Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên đủ điều kiện liên kết vào chương trình liên kết tuyến du lịch TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước, chùa Khmer Tông Kim Quang (An Bình)...
Ngoài ra, huyện còn có Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao U&I (xã An Thái) và Trang trại Chiến Thắng (xã Tam Lập) có quy mô lớn, quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, có tiềm năng lớn trong việc hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp để khai thác phục vụ khách du lịch. Trên lĩnh vực hạ tầng phục vụ du lịch, hiện trên địa bàn huyện có 34 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 400 phòng; trong đó có 2 cơ sở đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, công nhận đạt tiêu chuẩn.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết huyện đã ban hành chủ trương phát triển một số sản phẩm du lịch nông thôn của địa phương và kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa để phát triển du lịch. Trong đó, huyện chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn có chất lượng cao; phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí hiện đại, tạo động lực phát triển du lịch. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch Khu di tích lịch sử cầu Sông Bé với diện tích hơn 8ha, gồm nhiều hạng mục như tượng đài ghi công, khu đón khách, khu trưng bày, xem phim tư liệu, hiện vật, khu nhà hàng, giải trí, lưu trú, khu cắm trại, chòi ngắm cảnh, cây xanh dọc bờ sông, lối đi bộ dọc ven sông, cáp treo, cầu kính vượt sông… và nhiều hạng mục khác phục vụ khách du lịch.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác quảng bá và tham gia một số hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu các điểm đến du lịch tiềm năng của địa phương tại các chương trình, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh.”, ông Văn Quang Chinh cho hay.
ĐỖ TRỌNG