Nhận xét về diễn biến giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Sở Tài chính cho biết, nhìn chung tiếp tục ổn định. Ghi nhận tại một số chợ đầu mối, chợ lẻ trên địa bàn tỉnh, từ 2 tháng trở lại đây, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… không “nhảy múa” theo giá xăng. Tại chợ hàng bông Phú Hòa (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), các tiểu thương cho biết, các loại rau quả bỏ sỉ vẫn đứng yên từ nhiều tháng qua. Cụ thể, rau hàng bông như cải ngọt, bẹ xanh, bầu bí... các loại giá từ 7000 - 9.000/kg; bắp cải, khổ qua, đậu bắp, cải thìa, đậu cô ve giá 12.000 - 15.000 đồng/ kg; rau sống 20.000 đồng/kg… Chị Tư, tiểu thương tại chợ này cho hay, giá xăng tăng tuy có tác động vào chi phí vận chuyển, bỏ hàng. Nhưng mấy lần giá xăng dầu tăng vừa qua, hầu như không có tác động đến giá rau trong chợ do sức mua của người tiêu dùng khá yếu, quan hệ cung cầu là quan hệ thực nên giá chỉ ổn định chứ không thể tăng giá theo tâm lý. Trong 7 tháng đầu năm, CPI chỉ mới tăng 2,68% trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát đặt ra cho năm nay là dưới 7%. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C (ảnh minh họa)
Tương tự, từ sau tết đến nay, mỗi kg thịt heo, bò tại quầy chị Mười, tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một, lúc nào cũng có giá 75.000 đồng/kg heo đùi; 120.000 - 125.000 đồng/kg heo ba rọi, sườn loại ngon; bò file giữ ở mức 260.000 đồng/ kg. Chị Mười cho biết, tâm lý lo ngại dịch heo lở mồm long móng tái bùng phát ở một số địa phương, nên dù có muốn nhích lên 1.000 đồng/kg cũng không dám vì lo ngại giá bán đắt đỏ, không có người mua.
Thủy hải sản là mặt hàng dễ biến động về giá và đặc biệt xăng tăng thường là cái cớ chính để tăng giá. Tuy nhiên, lần này giá cả các mặt hàng này cũng bình chân như vại ngoại trừ những mặt hàng không phải mùa thu hoạch. Giá tăng cụ thể như cá thát lát giá nhích thêm 30.000 đồng/ kg, ở mức 300.000 đồng/kg; thịt gia cầm cũng không có sự thay đổi giá, gà tam hoàng làm sẵn nguyên con 70.000 đồng/ kg; gà ta sống 110.000 đồng/ kg. Ngoài ra, giá cả mặt hàng lúa, gạo vẫn giữ ổn định, giá lúa dài hiện bán ra là 7.200 đồng/kg, lúa tròn 8.000 đồng/ kg, gạo thường từ 13.000 - 13.500 đồng/kg, gạo nàng hương Chợ Đào là 17.500 đồng/kg…
Nhìn chung, ở các chợ, giá cả đa số các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu đều được người bán khẳng định là chưa có sự thay đổi so với các tháng trước. Tuy nhiên, người kinh doanh cũng cho biết, giá vẫn chưa thay đổi vì họ vẫn còn đang nghe ngóng tình hình, vấn đề chỉ là thời gian vì chuyện giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lúc này mặt bằng giá chung trên thị trường cũng khó kìm giữ.
Theo phân tích của T.S Lê Xuân Nghĩa nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện lạm phát đã được Chính phủ kiểm soát khá tốt, tâm lý của người dân trở nên ổn định hơn. Trong bối cảnh kinh tế ổn định thì yếu tố tâm lý đẩy giá tác động không lớn đến mặt bằng giá cả. Tuy vậy, nếu xu hướng chung bất ổn, giá cả leo thang thì tác động tâm lý đến tăng giá cũng rất mạnh. Như vậy, vấn đề mấu chốt hiện nay là xu hướng kiểm soát vĩ mô như điều hành tỷ giá, lãi suất… phải tốt hơn thì mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI đặt ra cho năm nay là dưới 7% là có thể đạt được. Người dân vẫn mong chờ chính sách điều hành kinh tế từ Trung ương đến địa phương thật hiệu quả để giảm bớt khó khăn.
TRÚC HUỲNH