Huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên là những địa phương thuộc vùng nông thôn của tỉnh. Ở những nơi này, cuộc sống của một số hộ gia đình vẫn còn khó khăn nhưng trọn lòng tri ân với những người đã hy sinh bảo vệ quê hương, giành lấy độc lập dân tộc, từ huyện đến khu phố, ấp đều ra sức chăm lo bằng những việc làm thiết thực. Nổi bật là hỗ trợ vay vốn ưu đãi để gia đình chính sách, người có công (NCC) phát triển kinh tế.
Lãnh đạo huyện Phú Giáo trao quà cho đối tượng chính sách tại xã An Long nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7
Làm giàu từ vốn vay ưu đãi
Cùng cán bộ Thương binh - Xã hội xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên) đến thăm các gia đình chính sách thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi mới thực sự hiểu hết được “quả ngọt” từ việc tạo điều kiện ưu đãi dành cho gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.
Trở về sau chiến tranh, thương binh Nguyễn Thanh An (SN 1954), ấp 2, xã Tân Lập gặp vô vàn khó khăn. Nhiều lúc ông tưởng chừng không vượt qua khỏi. Ông An kể, những năm đầu đến Tân Lập lập nghiệp gia đình tự khai hoang làm rẫy để trồng lúa nhưng thiếu vốn sản xuất nên năng suất không cao. Cách đây 10 năm, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, gia đình ông vay 40 triệu đồng phát triển kinh tế. Năm 2012, ông mạnh dạn vay thêm 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo. Nhờ có nguồn vốn vay mà thu nhập bình quân của gia đình ông từ 200- 300 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình dần khá lên, các con ông đều được ăn học đến nơi đến chốn. “Những năm qua, Đảng, chính quyền các cấp đã giúp đỡ nhiều việc có ý nghĩa góp phần làm giảm đi những thiệt thòi, thiếu thốn mà chiến tranh gây ra; triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với NCC cách mạng như tôi và thân nhân của họ. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình tôi thực sự biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập”, ông An tâm sự.
Từng trải qua những năm tháng cơ cực, giờ đây thương binh Tô Hữu Phúc, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên đã có vườn cây ăn trái rộng lớn mà bao người mong muốn. Sau khi hùn vốn nuôi tôm bị thất bại ở quê nhà, năm 1998 ông lên Bình Dương lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Được sự động viên giúp đỡ của bạn bè, đồng đội năm xưa, ông mua 9 ha đất trồng các loại hoa màu như mía, mì, bắp nhưng lợi nhuận không đáng là bao. Sau đó, ông được chính quyền xã Hiếu Liêm tạo điều kiện vay vốn của địa phương, ông chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam, bưởi. Biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên hàng vụ gia đình ông thu lợi nhuận khá cao với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chăm lo mọi mặt
Không những được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, NCC trong tỉnh nói chung, các địa phương vùng xa của tỉnh nói riêng còn được quan tâm chăm lo chỗ ở, sức khỏe, tinh thần. Nhờ đó, đời sống gia đình chính sách khá giả, mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Huyện Bắc Tân Uyên là một huyện mới tách của tỉnh, xác định sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm lo đối tượng chính sách. Thế nhưng, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo huyện, cộng với sự chung sức của toàn thể nhân dân trong huyện, NCC trên địa bàn huyện được chăm lo tốt về mọi mặt. Riêng dịp 27-7 năm nay, ngoài phần quà của tỉnh, huyện trích ngân sách và vận động tặng thêm 200 phần quà cho đối tượng chính sách khó khăn, mỗi phần trị giá 1,2 triệu đồng. Huyện đã rà soát xây mới 6 căn, sửa chữa 8 căn nhà tình nghĩa từ ngân sách tỉnh và vận động; đồng thời phối hợp khám, chữa bệnh cho gia đình chính sách, NCC.
Ở Phú Giáo, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng hàng năm đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để chăm lo cho đối tượng chính sách. Ông Cao Thanh Xuân, Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Phú Giáo nói, việc chăm lo cho đối tượng chính sách được huyện thực hiện liên tục, thường xuyên. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2017, huyện đã giải quyết 542 hồ sơ các loại; xây dựng và sửa chữa 112 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, NCC có nhà ở ổn định. Hàng năm tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng cho hơn 300 đối tượng NCC, cấp thẻ BHYT cho 2.800 đối tượng là NCC và thân nhân của họ.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, thời gian qua, công tác chăm lo đối tượng chính sách, NCC tại các địa phương rất tốt. Tuy nhiên, đối với các huyện, xã vùng xa của tỉnh sẽ gặp những khó khăn nhất định trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Ở những địa phương xa xôi, người dân sống rải rác, xa nhau nên công tác chăm lo cho đối tượng chính sách không khỏi gặp trở ngại. Đơn cử, mỗi lần huyện, xã tổ chức họp mặt gia đình chính sách, hay chi trả chế độ do đường xa NCC không thể tự đi, lúc này cán bộ phụ trách chính sách phải đến tận nhà chở đi, hoặc gửi tiền trợ cấp, gửi tặng quà… Vượt qua những khó khăn đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo huyện, xã gia đình chính sách vùng xa đã có cuộc sống ổn định, đầy đủ, hạnh phúc.
H.THỦY - T.LÝ