Giá vàng trong nước chênh lệch cao so với thế giới - Ảnh minh họa: T.Đ
Giá vàng giao dịch tại châu Á sáng nay ở mức 1.258 USD/ounce, tương đương 31,98 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng SJC tiếp tục ngược chiều thế giới, nâng chênh lệch giá hai thị trường cao nhất trong năm 2014, ở mức 4,5 triệu đồng/lượng.
Vàng kỳ hạn hôm 29-5 đã có 4 phiên giảm liên tiếp theo đúng quy luật thị trường, khi hầu hết dữ liệu kinh tế của Mỹ đều lạc quan và căng thẳng ở Đông Âu dần hạ nhiệt.
Vàng giao tháng 8-2014 trên sàn New York Mercantile Exchange hôm 29-5 giảm 2,60 USD, tương đương 0,2%, và neo ở mức 1.257,10 USD/ounce. Như vậy sau 4 phiên giảm, vàng rớt giá khoảng 3% và chốt ở mức thấp nhất kể từ ngày 5-2 đối với các hợp đồng khối lượng giao dịch lớn.
"Ngay cả khi giá vàng tháng tám hiện nay có vẻ ổn định ở khoảng giữa 1.250 USD thì mua vàng thời điểm này có thể là quyết định khá rủi ro của giới đầu cơ", Nhà đồng sáng lập Altavest Worldwide Trading Erik Gebhard nhận định, "Có thể ví việc này như việc chụp con dao đang rơi mà không bị đứt tay. Cũng có khả năng thành công, nhưng tỉ lệ này thường rất ít".
Tuy nhiên khoảng cách chênh lệch giá lớn nhất trong thị trường - đo từ mức thấp gần 1.291,50 USD ngày 27-5 đến mức cao 1.267,50 USD của ngày 28-5 - có thể được san bằng, vấn đề chỉ là khi nào. Thị trường cần thêm thời gian để củng cố và xây dựng nền tảng hỗ trợ, và sau đó sẽ tăng nhẹ".
Cổ phiếu của quỹ vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust giảm 0,2% và sẵn sàng giảm thêm trong phiên thứ tư liên tiếp. Hầu hết các dữ liệu kinh tế của Mỹ đều tăng khiến vàng mất dần sức hấp dẫn như một nơi trú ẩn tài sản an toàn.
Hôm 29-5, các chuyên gia kinh tế của Citigroup nhận định giá vàng có thể sẽ tăng trong ngắn hạn, nếu loại trừ nhân tố căng thẳng giữa Nga và Ukaine. Citigroup cho rằng giá vàng trung bình trong nửa đầu năm 2014 sẽ là 1.337 USD/ounce và tăng lên 1.365 USD trong năm 2015.
Theo TTO