Giai đoạn 2005-2010: Bình Dương cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo 

Cập nhật: 10-12-2016 | 08:51:34

Từ năm 2005 đến 2010, mặc dù chịu ảnh hưởng do lạm phát cao của nền kinh tế cả nước, nhưng Bình Dương vẫn đạt được những kết quả khả quan về giảm tỷ lệ hộ nghèo (HN), đời sống của nhân dân đã được cải thiện, bộ mặt các xã nghèo luôn thay đổi.

 Những việc làm thiết thực

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và chỉ đạo Thường trực Ban chỉ đạo chương trình (Sở LĐ-TB&XH) cùng các ngành thành viên Ban chỉ đạo và UBND các huyện, thị, các xã, phường, thị trấn huy động nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách để hỗ trợ cho HN và người nghèo thoát nghèo.

Trao xe đạp cho con em HN có điều kiện đến trường

UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì, phối hợp cùng các huyện, thị triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo. Theo ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương, chính sách tín dụng ưu đãi được xem là một trong những nền tảng cơ bản, quan trọng, thiết yếu trong quá trình giảm nghèo của tỉnh và là chiếc “cầu nối” vượt khó, thoát nghèo của người dân. Trong 5 năm (2006-2010), ngân hàng đã giải ngân 30 tỷ đồng cho 2.350 lượt HN vay vốn làm ăn; giải ngân 7,5 tỷ đồng cho 500 hộ vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Cùng với sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi, dạy nghề và giải quyết việc làm là giải pháp được xác định căn cơ nhất để hỗ trợ cho HN, người nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, tự nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình. Công tác chăm sóc sức khỏe HN cũng được chú trọng, toàn tỉnh đã cấp 256.387 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo với trị giá 44.787 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế, nhà hảo tâm còn tổ chức, phối hợp tổ chức khám bệnh miễn phí cho 163.876 lượt người nghèo, cung cấp bữa ăn miễn phí cho 180.421 lượt bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho HN, từ năm 2006 đến tháng 9-2010, Bình Dương đã xây dựng mới 2.048 căn nhà đại đoàn kết cho HN với tổng số tiền 28.549 triệu đồng bằng nguồn vận động từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Một trong những nguyên nhân nghèo là xuất phát từ trình độ dân trí thấp, vì vậy chính sách chăm lo về giáo dục cho con HN được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, xem đây là giải pháp mang tính chiến lược, có hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững ở hiện tại và tương lai. Do đó, tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho con HN tham gia học tập như thực hiện chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác; đồng thời hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để trang trải học phí. Đặc biệt, nhân dịp khai giảng năm học mới, các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, trao tặng học bổng và các dụng cụ học tập cho trên 8.000 học sinh, sinh viên nghèo.

Định hướng dài hơi

Với những nỗ lực trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2006- 2010, Bình Dương đã có trên 21.576 hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Như vậy, Bình Dương cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2006-2010 theo Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần VIII đề ra.

Tặng bò cho HN tại huyện Bắc Tân Uyên

Đạt được những kết quả như trên, ông Ninh Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH cho biết, chương trình giảm nghèo nhận được sự chỉ đạo từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị. Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và các chính sách UBND tỉnh ban hành đã hợp ý Đảng, lòng dân và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thành sức mạnh tổng hợp tất cả các nguồn lực tập trung cho công cuộc giảm nghèo của tỉnh nói riêng và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nói chung.

Tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn mới 2010-2015, Bình Dương nâng chuẩn nghèo mới (thu nhập bình quân từ 1.000.000 đồng/người/ tháng khu vực thành thị và từ 800.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn trở xuống là HN). Với chuẩn nghèo đó, ước tính tỷ lệ HN của tỉnh đầu năm 2011 chiếm khoảng 7%; toàn tỉnh sẽ có khoảng 15.037 HN (tính theo tổng số hộ dân đầu năm 2010 là 214.686 hộ) và có khoảng 6.015 hộ cận nghèo. Dự kiến theo phương án trên, mỗi năm giảm 1,5% tỷ lệ HN, như vậy đến cuối năm 2015, Bình Dương cơ bản không còn HN theo chuẩn mới.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH (Thường trực Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo và tạo việc làm) tích cực phát huy thành tích đã đạt được và phối hợp chặt chẽ cùng các ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, các đoàn thể, UBND các huyện, thị. Đặc biệt, các đơn vị cần thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người nghèo theo hướng chú trọng đào tạo nghề phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và khả năng, hoàn cảnh kinh tế của lao động lớn tuổi, lao động vùng quy hoạch các khu công nghiệp; ưu tiên giải ngân nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo việc làm tại chỗ, nhất là người nghèo; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác lao động, việc làm, cán bộ giảm nghèo.

T.LÝ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1211
Quay lên trên