Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 là đổi mới toàn diện và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp trong tỉnh, nhất là chuyển đổi số trong cải cách hành chính (CCHC). Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cả trong trước mắt và lâu dài để thực hiện đạt mục tiêu chung này.
Đoàn khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát việc thực hiện cơ sở dữ liệu trong chyển đổi số tại Trung tâm Hành chính công TP.Thủ Dầu Một
Đồng bộ kết nối, chia sẻ dữ liệu
Trong những năm qua, công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đã đạt nhiều thành quả, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục phát huy những kết quả này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng cho giai đoạn 2021-2030. Cụ thể là số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15%. Mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử…
Một trong các mục tiêu quan trọng là tỉnh đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Trong đó, chú ý đồng bộ hóa trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm ban hành đúng thẩm quyền, nguyên tắc theo quy định của pháp luật.
Cần thêm
những giải pháp Một trong các giải pháp đầu tiên, tỉnh yêu cầu phải thực hiện ngay đó là rà soát, đơn giản hóa TTHC, loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng mô hình hành chính công, một cửa, một cửa liên thông hiện đại, thông minh, cung cấp dịch vụ công theo định hướng của thành phố thông minh Bình Dương, chú trọng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu, xây dựng các tiện ích dịch vụ hành chính công đa phương thức, đa phương tiện hiện đại, thông minh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Bình Dương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; số hóa kết quả giải quyết TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, trọng tâm là TTHC thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, bảo hiểm xã hội. Tỉnh cần xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Cán bộ, công chức phục vụ phải là những người chuyên nghiệp, tận tụy trong thực thi công vụ, thực hành phương châm “liên tục thích ứng; học tập trọn đời”.
Trước các ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia trong công tác CCHC, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ cập nhật và bổ sung nhiều giải pháp thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, bảo đảm năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong chuyển đổi số ở lĩnh vực CCHC. UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành làm công tác chuyên môn tổ chức tìm hiểu và thực hiện, vận hành và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu TTHC trên trang dịch vụ công của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, chú ý đến giải pháp gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tổ chức thực hiện tiếp nhận hoặc hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC tại nhà hoặc hẹn giờ giải quyết TTHC theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Song song đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa quan trọng của công tác chuyển đổi số trong CCHC, cải cách TTHC.
HỒ VĂN