Nhờ được đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật, lại gặp thuận lợi từ điều kiện tự nhiên nên trái cây có múi ở Bình Dương nói chung và huyện Bắc Tân Uyên nói riêng đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Thuận lợi là thế, nhưng để sản phẩm trái cây có múi đứng vững và mở rộng thị trường tiêu thụ đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương và các nhà vườn phải nỗ lực nhiều hơn.
Một vườn bưởi của HTX Cây ăn trái Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Q.NHIÊN
Nông dân còn bị động đầu ra sản phẩm
Nhờ vào địa hình đồi dốc, khí hậu phù hợp, lại được tưới mát bởi nguồn nước tự nhiên từ 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Bé, cộng với kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu đời và kết hợp với việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã giúp sản lượng vườn cây ăn trái có múi ở huyện Bắc Tân Uyên tăng cao, chất lượng cũng vượt trội so với các vùng cây ăn trái cùng loại ở những nơi khác. Mỗi năm, toàn huyện cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn tấn trái cây có múi. Hiện nay, trung bình 1 ha cây có múi trong huyện cho thu hoạch từ 35 - 40 tấn trái, cao gấp 15 - 20 lần thu nhập của 1 ha cao su. Điều đáng nói, loại cây này có thể thu hoạch bất cứ mùa nào, tháng nào trong năm nếu có đơn đặt hàng hoặc có yêu cầu từ thị trường cụ thể.
Từ vài chục hécta ban đầu được nông dân trồng tại 2 xã Hiếu Liêm và Lạc An của huyện Bắc Tân Uyên, đến nay cây ăn trái có múi đã phát triển ra 6 xã trong huyện, với diện tích lên đến 1.950 ha; chủ yếu là cây bưởi, cam, quýt, chanh không hạt. Nguồn gốc cây giống có múi này được các nhà vườn ở huyện Bắc Tân Uyên lấy từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, miền Trung và miền Bắc. Cây giống phần lớn được nông dân phát triển bằng kỹ thuật chiết ghép cành. Ngoài việc áp dụng công nghệ cao vào tưới tiêu, bón phân, phòng ngừa sâu bệnh, nông dân trong huyện còn sáng tạo ra nhiều phương thức canh tác khác, như cho trái nghịch vụ, phủ bạt để kích thích cây ra bông ra trái, làm bẫy côn trùng thay cho dùng thuốc bảo vệ thực vật… |
Tuy vậy, hiện phần lớn người trồng cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên tỏ ra lo lắng vì không biết khách hàng của mình là ai, đến từ đâu, giá cả thế nào? Ông Trần Trung Châu, nông dân ấp Bà Cố, xã Lạc An, chia sẻ hiện hầu hết sản phẩm nông dân làm ra thương lái đến tận vườn mua, nông dân không thể ký trực tiếp hoặc bán trực tiếp cho khách hàng của mình.
Ghi nhận cho thấy, hiện trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên số lượng trang trại sản xuất theo quy trình VietGAP còn ít. Theo nhiều nhà vườn trong huyện, để xây dựng được quy trình này đòi hỏi không chỉ công sức, tiền bạc mà còn cần lòng kiên trì, yêu nghề, vì đây là câu chuyện làm nông gắn với khoa học và công nghệ. Một khó khăn nữa là hiện nay, 1 trái bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP bán ra thị trường không khác gì một trái bưởi không có tiêu chuẩn; nếu không có quy trình, hệ thống kiểm soát chặt chẽ thì viễn cảnh “trúng mùa rớt giá” sẽ lại xảy ra.
Quy hoạch phải bảo đảm hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương của tỉnh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác xúc tiến đầu tư. Tới đây, sở sẽ xây dựng chương trình xúc tiến thương mại kết hợp quảng bá thương hiệu nông sản Bình Dương nói chung, trong đó có cam, bưởi ở huyện Bắc Tân Uyên nhằm đưa những sản phẩm nông nghiệp chiến lược của tỉnh lên vị trí mới trên thị trường. Muốn vậy chúng ta phải cùng nhau xây dựng, thiết lập và kiểm soát quy trình sản xuất một cách có tổ chức.
Quy trình sản xuất mới đã được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường đưa ra bằng những giải pháp cụ thể, như: Kiểm soát chất lượng đất gắn với chính sách đầu tư lâu dài, ổn định giúp nông dân an tâm gắn bó với sự nghiệp phát triển nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới để chủ động hơn trong việc ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không để rơi vào vòng xoáy “khủng hoảng thừa”. Cùng với đó kêu gọi sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các ngành liên quan như Liên minh Hợp tác xã, Sở Khoa học - Công nghệ… cùng đồng hành quy trình sản xuất mới.
Lãnh đạo một số ngành liên quan cho biết cùng với các quy trình, giải pháp trung và dài hạn, các đơn vị tham gia thực hiện theo quy trình sản xuất mới trước tiên phải giải đáp và xác định được yêu cầu “Cam, bưởi Bắc Tân Uyên” khác như thế nào so với những loại trái cây có múi khác trên thị trường hiện nay. Có như thế thì sản phẩm nông nghiệp của tỉnh mới đứng vững và vươn xa trên thị trường.
Tại cuộc khảo sát thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh cây có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên của đoàn công tác lãnh đạo tỉnh mới đây, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định trái cây có múi là đặc sản của miền nhiệt đới nói chung và của nước ta nói riêng, vì các nước khác ngoài vùng khí hậu nhiệt đới rất khó trồng. Tỉnh Bình Dương có kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư, chúng ta có rất nhiều bạn bè, đối tác và đây cũng là thị trường tốt để ngành công thương triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của tỉnh nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng, nhưng phải tuyệt đối tránh hiện tượng giành giật thị trường, tranh mua tranh bán, làm hại lẫn nhau như đã từng xảy ra trước đây.
Muốn vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Bắc Tân Uyên phải phối hợp xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, để từ đó quy hoạch cho được vùng sản xuất. Từ quy hoạch cụ thể chúng ta sẽ chủ động trong sản xuất và kiểm soát quy trình sản xuất, không để xảy ra tranh giành thị trường, đánh đồng giữa sản phẩm có thương hiệu, có quy trình sản xuất tốt với sản phẩm sản xuất tự phát. Điều quan trọng cuối cùng nhưng phải làm trước tiên và xuyên suốt là công tác thông tin tuyên truyền để người nông dân hiểu, nắm rõ và cùng nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao và ổn định trên thị trường.
Ngành nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, với hướng đi mới sẽ đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà vào nhóm sản phẩm chiến lược trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết qua khảo sát thực tế tại một số trang trại trên địa bàn tỉnh cho thấy các nhà nông rất năng động trong vấn đề thị trường và tự tin trong đầu tư. Những giống cây đặc sản từ các vùng miền xa xôi trong cả nước được đưa về Bình Dương trồng và đưa sản phẩm quay trở lại thị trường truyền thống với hình thức mới tươi tốt, chất lượng hơn, giá cả cũng tốt hơn. Hiện mỗi trang trại ứng dụng công nghệ cao có vốn đầu tư bình quân 100 tỷ đồng, tương đương 4 - 5 triệu USD mà chỉ sử dụng từ 15 - 20 lao động, so với dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp là rất tốt mà hiệu quả mang lại cũng khá tốt. Sau khảo sát thực tế này, tỉnh sẽ tính toán để ban hành chính sách phù hợp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
DUY CHÍ