Giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ

Cập nhật: 13-06-2019 | 09:28:53

Hôm qua (12-6), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thuận lợi, khó khăn và giải pháp phát triển trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng hơn 120 đại biểu đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Thu hoạch cam hữu cơ tại Hợp tác xã Nhân Đức, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

Hướng phát triển bền vững

Tại hội thảo, tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết sản xuất hữu cơ là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, của hệ sinh thái và con người. Hệ thống sản xuất này dựa chủ yếu vào các tiến trình sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích nghi với điều kiện địa phương hơn là sử dụng các yếu tố đầu vào mang theo những ảnh hưởng bất lợi. Nông nghiệp hữu cơ kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho môi trường chung, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả thành phần tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

Ông cũng đánh giá cao Bình Dương khi là địa phương đầu tiên tổ chức hội thảo về nông nghiệp hữu cơ. Điều này chứng tỏ Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh rất quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Sự quan tâm này là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển nông nghiệp hữu cơ theo đúng xu thế phát triển toàn cầu. Theo ông, tại Việt Nam, đầu những năm 90 có một số tổ chức phi chính phủ đã đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư một số dự án sản xuất hữu cơ. Đến nay, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hội viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

Với sự nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng và chủ động trong tổ chức sản xuất, hiện nay trên địa bàn tỉnh một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã sản xuất và đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Đển hình trong số này có thể kể đến như Công ty Cổ phần Vinamit đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ trên 150 ha diện tích vùng nguyên liệu ở xã Phước Sang, huyện Phú Giáo; Hợp tác xã Nhân Đức đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 12 ha trồng cam sành và cam xoàn; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Năm Hạng đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 8 ha trồng cam sành.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, biểu dương Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị về nông nghiệp hữu cơ; cho rằng đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Từ năm 2017, thực hiện Quyết định số 3265/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng Nam Bình Dương giai đoạn 2016-2020, sở đã xây dựng và triển khai mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ để từng bước giúp người sản xuất giảm dần hàm lượng các yếu tố vô cơ đầu vào trong sản xuất và nâng dần tỷ lệ sử dụng các phân bón hữu cơ vi sinh và các yếu tố đầu vào khác...

Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích của việc tổ chức hội thảo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thuận lợi, khó khăn và giải pháp phát triển trên địa bàn tỉnh nhằm nhận định rõ về nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, tiềm năng và lợi thế của Bình Dương khi tham gia vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, hội thảo cũng tạo cầu nối để các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có điều kiện giao lưu, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học; thông qua quá trình thảo luận về những thuận lợi, khó khăn thách thức và những đề xuất kiến nghị để sở tham mưu UBND tỉnh có giải pháp cụ thể phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Cần sự phối hợp hiệu quả

Ông Lê Quốc Hải, Giám đốc Công ty rau sạch gia đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết bên cạnh những yếu tố thuận lợi như giá bán cao, nhu cầu thị trường lớn, nền sản xuất bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng… những người sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn những khó khăn. Khó khăn trước hết là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ khó, năng suất sản phẩm thấp, phải bảo đảm nhiều chỉ tiêu phức tạp, chi phí đánh giá chứng nhận rất cao… Cùng với đó, sự khác nhau giữa chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế với tiêu chuẩn Việt Nam về các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình thủ tục, hướng dẫn giám sát, kinh phí, quản lý sản phẩm sau chứng nhận khiến các doanh nghiệp lúng túng trong cách thực hiện.

Ông Bông cho biết xu thế phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thấy được một số khó khăn, thách thức như chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ; các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến; người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác... Chính vì vậy, tuy nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn khó tiêu thụ, chỉ các tổ chức cá nhân có hợp đồng trước với đầy đủ các chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố tiến hành rà soát lại quy hoạch, tham mưu xây dựng dự án nông nghiệp hữu cơ, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp điều chỉnh bổ sung thêm đối tượng là nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó chú trọng cập nhật các thông tin mới, mô hình mới về nông nghiệp hữu cơ để nhân rộng trong sản xuất trong thời gian tới; tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức các kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh để khích lệ phát triển sản xuất những sản phẩm này...

Ông Mai Hùng Dũng yêu cầu các ngành cần nỗ lực phối hợp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ lực, kết hợp cùng Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ, các địa phương chủ động đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ, ông đề nghị cần nắm rõ những quy trình sản xuất vật tư từ đầu vào, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xác định thị trường, thông tin sản phẩm, giám sát thúc đẩy sự minh bạch của thị trường…

Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh. Với điều kiện diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động nông nghiệp ngày càng giảm, những năm gần đây nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trên 4.000 ha, nông nghiệp đô thị trên 140 ha.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất các sản phẩm an toàn, có thể kể đến như chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 95 cơ sở sản xuất nông nghiệp được chứng nhận VietGAP, 1 công ty đạt chứng nhận GlobalGAP; đã xây dựng được 9 chuỗi an toàn thực phẩm...

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên