Giải pháp nào để nâng tầm công nghiệp vùng Đông Nam bộ- Bài 2

Cập nhật: 17-08-2024 | 05:53:38

Bài 2: Tạo đột phá từ các hướng liên kết

Để phát triển công nghiệp bền vững, bên cạnh việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, hợp tác, liên kết nội vùng, các địa phương vùng Đông Nam bộ cần nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài với các DN trong nước.

“Bệ đỡ” từ công nghiệp hỗ trợ

Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam, cho biết Đông Nam bộ là trung tâm chế biến, sản xuất gỗ lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành gỗ gặp rất nhiều khó khăn do những biến động của thị trường thế giới. Để vượt qua thử thách trước mắt và phát triển bền vững, ngành chế biến gỗ tại các địa phương trong vùng đang nỗ lực liên kết trong sản xuất lẫn tiêu thụ. Những giải pháp mà ngành gỗ đang hướng tới là xây dựng trung tâm sản xuất, chế biến đồ gỗ công nghệ cao; liên kết các hiệp hội tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, hội nghị chung; đẩy mạnh sản xuất xanh...

“Trước tình hình khó khăn hiện nay, ngành gỗ đang thúc đẩy liên kết từ khâu trồng rừng đến chế biến và khai thác gỗ, hoàn thiện sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. DN gỗ trong nước cần đẩy mạnh liên kết lại với nhau, xây dựng thương hiệu gắn với định hướng phát triển ngành công nghiệp thế mạnh của cả nước”, ông Ngô Sĩ Hoài nói.

Hội chợ quốc tế máy chế biến gỗ và nguyên liệu gỗ “BIFA WOOD VIETNAM 2024” đề cao chiến lược phát triển bền vững theo hướng liên kết vùng. Trong ảnh: Gian hàng thiết bị công nghệ cao trong đồ gỗ tham gia hội chợ

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ vùng Đông Nam bộ, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.Hồ Chí Minh, cho biết cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN vùng Đông Nam bộ để DN phát triển bền vững. Trong đó, phát huy thế mạnh của từng DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, phát triển công nghệ đáp ứng nhu cầu của các đối tác trong và ngoài nước. Có như vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ vùng Đông Nam bộ mới phát triển mạnh, bền vững.

Nếu DN sản xuất ở vùng Đông Nam bộ được tạo “bệ đỡ” từ ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ định hình được thị trường mới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và chinh phục thị trường quốc tế. Đặc biệt, không chỉ những công ty đầu ngành, mà DN nhỏ và vừa sẽ được tạo động lực khuyến khích tích cực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tự thân các DN sẽ phải thay đổi để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến khách hàng.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hoài Quốc cho rằng cần có sự quan tâm đúng mức trong việc bổ sung thêm giải pháp thắt chặt mối liên kết giữa ngành công nghiệp hỗ trợ các nước, như: Chia sẻ cơ sở dữ liệu, tổ chức kết nối kinh doanh, nâng cao năng lực cho xưởng sản xuất, kết nối đào tạo tại nhà máy… Cùng với đó là nâng cao năng lực cho DN công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của DN đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Liên kết, hỗ trợ cùng phát triển

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu ngành gỗđạt 9-10 tỷ USD và đến năm 2030 đạt từ 12-13 tỷ USD. Khó khăn của DN gỗ trong nước hiện nay là hầu hết DN sản xuất gia công theo các đơn hàng, kiểu dáng, mẫu mã từ khách hàng nước ngoài, chưa chủ động đưa ra những mẫu mã, thiết kế mang giá trị văn hóa Việt. Trong khi đó, chi phí DN trong nước bỏ ra để có bản quyền sản xuất bàn, ghế còn cao hơn so với lợi nhuận được hưởng từ sản phẩm đó. Cùng với đó, DN gỗ trong nước còn thụ động, chờ đợi khách hàng đến, đưa mẫu mã đề nghị gia công chứ chưa chủ động nghiên cứu, tiếp cận từng đối tượng khách hàng và có được sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Ngoài ngành gỗ, ngành da giày được xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của vùng Đông Nam bộ. Hiện nay, vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 65% năng lực sản xuất giày dép của cả nước. Tuy nhiên, các DN da giày trong nước chủ yếu gia công sản phẩm, với giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển công nghiệp nguyên phụ liệu, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh đối với thị trường trong và ngoài nước. Phần lớn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất cho ngành da giày được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thái Bình, nói: “Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu và đổi mới sáng tạo, giúp thúc đẩy hoạt động của thị trường nguyên, phụ liệu theo hướng chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó, các DN trong ngành da giày vừa nâng cao sự năng động, hiệu quả, vừa có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành… Có như vậy mới giúp các DN ngành da giày, đặc biệt DN nhỏ và vừa có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành.

Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết thêm đối với động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ cao, cần có cơ chế đánh giá thực trạng, hoàn thiện đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… Bên cạnh đó, cần đánh giá điểm chung và riêng của các địa phương trong vùng khi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết trong thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các DN chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ hiện đại, trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam bộ.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1467
Quay lên trên