TP.TDM là một trong số những địa phương có số lượng học sinh ngoài tỉnh tăng hàng năm, đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong các mùa tựu trường. Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và sự nỗ lực của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), sự nghiệp GD-ĐT đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà.
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong khen thưởng HS giỏi
nhân dịp tổng kết năm học 2013-2014
Trường lớp phát triển không ngừng
Muốn có chất lượng tốt, trước tiên trường lớp phải bảo đảm yêu cầu phục vụ phát triển giáo dục. TP.TDM là địa phương có tốc độ xây dựng cơ sở vật chất trường lớp nhanh. Tính từ năm 2011 đến nay, TP.TDM đã xây dựng mới 25 công trình trường học, kinh phí đầu tư mỗi trường từ 30 đến 55 tỷ đồng, tùy theo từng cấp học. Ông Nguyễn Hữu Phước, Trưởng phòng GD-ĐT TP.TDM cho biết, mạng lưới trường lớp phát triển đều khắp trên 14 phường, xã theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân. Hiện nay, 100% trường lớp được xây dựng kiên cố, trong đó trên 78% trường được lầu hóa. Đi đôi với xây dựng mới, xây dựng thay thế, ngành còn trang bị các trang thiết bị phục vụ giảng dạy đủ theo yêu cầu, 100% bàn ghế bảo đảm đúng quy cách. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục đã đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học theo các tiêu chuẩn quốc gia. Đến nay 38/60 trường trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia, đạt 63,3%. Từ nay đến tháng 6-2015, sẽ có thêm 6 trường đạt chuẩn, nâng số trường đạt chuẩn lên 44 trường, tỷ lệ 80%, đạt chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ X của thành phố đề ra.
Số học sinh (HS) gia tăng mỗi năm, nhưng TP.Thủ Dầu Một vẫn bảo đảm đủ chỗ học cho các em ở các cấp học là do địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Chỉ riêng ở bậc học mầm non, mạng lưới trường lớp ngoài công lập phát triển mạnh, tạo điều kiện cho người lao động an tâm gửi con, giảm được sức ép cho các trường công lập. Trong 5 năm qua, nhiều cá nhân, đơn vị đã đầu tư trên 121 tỷ đồng xây dựng mạng lưới trường ngoài công lập.
Đội ngũ tận tâm
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành GD-ĐT TP.TDM đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn. Theo thống kê, 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn. Ngoài ra, hàng năm ngành liên kết với trường Đại học Sư phạm TP.HCM và trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy cho giáo viên ở cả 3 cấp học, với kinh phí mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng. Đối với các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở GD-ĐT tổ chức, cán bộ, giáo viên của ngành GD-ĐT thành phố cũng tham gia đầy đủ. Cô Diệp Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Phú Mỹ cho biết, các thầy cô đã không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn kỹ năng tự học cho HS. Giáo viên thường xuyên sử dụng có hiệu quả các phương tiện, đồ dùng dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhằm kích thích tư duy và tạo hứng thú học tập cho HS.
Chất lượng nâng cao
Trong những năm học vừa qua, ngành GD-ĐT TP.TDM là đơn vị đi đầu phong trào HS giỏi. Trong các cuộc thi HS giỏi do Sở GD-ĐT tổ chức, thành phố có nhiều HS đoạt giải nhất so với các huyện, thị khác. Đó là do thành phố đã tập trung chỉ đạo phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, thực hiện tốt các cuộc thi giáo viên giỏi, HS giỏi và các hội thi do ngành tổ chức. Phong trào viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm cũng được các nhà giáo hưởng ứng tích cực. Giáo viên ở các trường thực hiện nghiêm túc công tác thao giảng, dự giờ, đổi mới phương pháp dạy, thực hiện tiết dạy tốt nhằm nâng cao tay nghề. Phong trào làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy được các nhà giáo thực hiện thường xuyên. Từ sự tận tâm, tận lực của đội ngũ nhà giáo, chất lượng đầu ra là niềm tự hào của ngành GD-ĐT TP.TDM. Trong 3 năm gần đây, thành phố luôn dẫn đầu về kết quả tuyển sinh vào lớp 10 vì điểm bình quân ở 3 môn thi đạt cao hơn so với các địa phương khác.
Điểm nổi bật của ngành GD-ĐT thành phố là địa phương có trường tạo nguồn THCS đầu tiên của tỉnh, đó là trường THCS Chu Văn An. Qua 5 năm đào tạo, chất lượng đầu ra đã nói lên điều đó. Trong năm học 2013- 2014 vừa qua, có 97,6% HS đạt loại giỏi, 70/84 HS trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT chuyên Hùng Vương, trong đó có 20 em được tuyển thẳng. Hiệu quả đào tạo ở các lớp tạo nguồn còn thể hiện qua kết quả thi HS giỏi cấp thành phố, tỉnh và khu vực được tổ chức hàng năm, như: Giải thưởng Sao Khuê, giải toán Lương Thế Vinh, toán tuổi thơ, Omlympic tiếng Anh qua internet, giải toán trên máy tính Casio và hùng biện tiếng Anh…
Ông NGUYỄN HỮU PHƯỚC, Trưởng phòng GD-ĐT TP.TDM cho biết:
Giai đoạn 2015-2020, ngành GD-ĐT TP.TDM tập trung thực hiện nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; gắn với xây dựng xã hội học tập, giữ vững định hướng XHCN và bản sắc dân tộc nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời kỳ CNH-HĐH.
HỒNG THÁI