Ông tên Lê Văn Giàu, hiện ngụ tại xã Long Nguyên (Bến Cát). Người ta nói ông giàu là phải, nhưng ông không giàu tiền, giàu bạc mà giàu lòng yêu nước và giàu tình thương yêu với đồng đội, đồng bào. Khi đất nước còn bị giặc xâm lăng, những người Việt Nam yêu nước đều có thể gạt bỏ mọi riêng tư, lên đường đánh giặc cứu nước. Có những chiến sĩ cách mạng cùng lúc làm 2 nhiệm vụ: vừa diệt giặc ngoại xâm vừa diệt giặc dốt. Ông Giàu cũng là một người như vậy.
Ông Lê Văn Giàu (hàng đầu bìa phải) cùng Ban liên lạc tù đày huyện Bến Cát
Nối tiếp truyền thống cách mạng
Dù đã bước sang tuổi thất tuần nhưng gương mặt ông vẫn còn rạng rỡ, đôi mắt vẫn tinh anh và giàu nhiệt huyết. Nhìn xuống cánh tay phải của mình bị thương tật teo tóp trong trận chống càn, ông nói: “Chiến tranh đã lấy đi một phần sức khỏe của tôi, với tỷ lệ thương tật 3/4. Bước qua tuổi 74, sức tôi có phần giảm sút”. Rồi ông nhẹ nhàng khiêm tốn: “Những cống hiến của tôi so với nhiều người có đáng là bao. Thời chiến tranh, ai cũng mong muốn đóng góp công sức, mỗi người một việc, cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”. Đặc biệt, khi kể về quãng đời gian lao mà anh dũng, gương mặt ông rạng ngời như đang sống lại kỷ niệm của một thời làm người thầy nơi chiến trận.
Ông Giàu nâng niu bằng công nhận “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước trao tặng cho tập thể chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại Trại giam Phú Quốc
Quê gốc ông ở xã Phú An (Bến Cát). Lớn lên khi quê hương bị giặc giày xéo, ngày ngày nhìn cảnh giặc đàn áp dân làng, tàn phá quê hương, chí căm thù địch trong lòng ông ngày càng cao độ. Sống ở vùng đất có truyền thống cách mạng, anh thanh niên Giàu đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia du kích địa phương. Vốn có tinh thần gan dạ và lanh lợi, ông được giao giữ chức Tiểu đội trưởng du kích xã. Tiểu đội đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nhiều phen làm giặc phải khiếp vía. Cũng trong thời gian này ông còn là trưởng đoàn văn công giải phóng xã Phú An. Ông đã cùng anh em trong đội đem lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội.
Chiến tranh vô cùng khắc nghiệt, bộ đội ta luôn đối đầu với kẻ thù nên sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Dù có hy sinh cả tính mạng, nhưng tất cả vì độc lập tự do của Tổ quốc, ông Giàu và các đồng đội vẫn xông pha nơi chiến trận. Năm 1967, địch mở cuộc càn Xê-đa-phôn vào vùng Tam giác sắt, ông bị thương ở tay phải và ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy thì ông mới hay mình đã bị giặc bắt, sau đó, chúng đưa ông ra nhà giam ở Hố Nai (Đồng Nai). Ông tâm sự: “Không sao kể hết sự tàn ác của địch đối với các tù binh. Chúng đánh đập chiến sĩ ta dã man, chết đi sống lại nhiều lần, dù vậy tôi vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Dù ở trong tù nhưng tôi vẫn tin vào ngày mai tươi sáng, tin rằng có một ngày đất nước sẽ thống nhất”.
Trở thành thầy giáo
Trong B38, nơi nhà giam ở Hố Nai có khoảng 100 người tù cách mạng, nhiều anh em trình độ văn hóa còn thấp và không ít người mù chữ. Vậy là ông và những bạn tù khác có kiến thức văn hóa tổ chức dạy chữ cho mọi người. “Thời đó làm gì có giấy viết, tôi đã đúc que sắt vô cán bàn chải làm viết, giấy là nền đất. Những giờ giặc cho ra sân tôi tranh thủ dạy anh em học, không có tập vở ghi chép, anh em cố gắng học đến đâu nhớ đến đó. Do trình độ văn hóa mọi người không đồng đều, tôi phân chia từng nhóm nhỏ ra dạy. Vừa dạy học, tôi vừa tranh thủ sinh hoạt chính trị với các anh em”.
Biết ông dạy học và tuyên truyền chính trị trong nhà lao, bọn cai tù làm khó, không ít lần đánh đập ông, nhiều lúc ông bị đánh đến ngất xỉu. Trước nanh vuốt của kẻ thù nhưng ông vẫn không nao núng ý chí, khi tỉnh dậy ông vẫn đấu tranh với địch để được truyền đạt tri thức, văn hóa cho anh em. Thời gian này, ông được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn B38, Trưởng ban đại diện hợp pháp giữa ta và địch. Nhiều lần ông đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, buộc giặc cung cấp thức ăn, nước uống. 5 năm rưỡi trong tù, ông Giàu, người thầy giáo cách mạng đã xóa mù chữ cho biết bao chiến sĩ. Vừa dạy chữ cho anh em, ông vừa học thêm ở những đồng đội khác học cao hơn mình. Cứ như thế, mọi người cùng bổ sung kiến thức cho nhau, không ai còn mù chữ nữa. Ở trong tù, tình đồng chí, đồng đội càng gắn bó hơn bao giờ hết, mọi người yêu thương, che chở cho nhau. Bản thân ông Giàu là thương binh, nhưng ông vẫn giúp đỡ các bạn tù khác bị thương nặng hơn trong việc tắm giặt, vệ sinh.
Sau đó giặc đày ông ra Nhà tù Phú Quốc, địa ngục trần gian mà nghe qua ai cũng khiếp sợ. Một năm nơi đảo xa, dù bị đày ải, đánh đập dã man, người chỉ còn da bọc xương, nhưng tinh thần yêu nước nơi ông Giàu vẫn không thay đổi. Năm 1973 ông được trao trả tự do tại Lộc Ninh. Vừa trở về, ông tiếp tục gia nhập vào đoàn giải phóng quân. Thấy ông có khả năng làm thầy giáo, cấp trên đưa ông về dạy ở trường Nguyễn Văn Lên. Trường được thành lập tại Hàng Nù, xã Thanh An (Dầu Tiếng), dạy cho con em liệt sĩ. Một thời gian sau, ông đi học ở trường sư phạm của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đặt tại Tây Ninh. Từ năm 1973 đến 1975, ông vừa học, vừa tham gia giảng dạy. Ông kể, thời chiến tranh chuyện học rất gian nan, do ở trong rừng nên trường lớp không có, thầy trò phải chặt cây dựng lớp học. Có những lúc đang học thì pháo bắn, mọi người phải nhanh chóng trốn vô hầm trú ẩn. Có thời gian thiếu thốn lương thực, thầy trò phải ăn măng rừng thay cơm, rồi những cơn sốt rét rừng hành hạ cơ thể, vậy mà ai cũng hăng say học tập.
Hòa bình lập lại, ông Giàu làm việc ở Ban công tác quân quản tỉnh Sông Bé (cũ). Năm 1976, ông chuyển về trường Nguyễn Văn Lên. Đến năm 1982 ông về hưu. Mấy mươi năm cống hiến cho đất nước, người thương binh 3/4, người thầy cách mạng Lê Văn Giàu đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, trong đó có Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Tháng 1-2013, ông trở về thăm Phú Quốc, nơi ông cùng đồng đội đã từng bị giặc giam cầm, dùng đủ mọi cực hình để tra tấn. Cũng tại nơi đây, ông được Ban liên lạc tù binh Việt Nam thời kỳ chống Mỹ tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, như để ghi nhận công lao đóng góp của ông cho cuộc đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước.
A.SÁNG