Bài 2: Phát huy vai trò của người dân
Trong những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển sâu, rộng; huy động được sức mạnh toàn dân vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở. Nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo đã thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Bình yên trong… vườn cao su
Vào mùa, khi mọi người đang say giấc thì cũng là thời điểm công nhân của Nông trường Cao su An Bình (xã An Bình, huyện Phú Giáo) bắt đầu vào ca “cạo đèn”. Nhiều công nhân để lại xe máy trong lán trại hay dọc theo những con đường đất trong lô cao su đã trở thành mồi ngon cho kẻ trộm. Lúc này, Tổ tuần tra Công an (CA) xã An Bình và Tổ công nhân, nhân dân tự quản về ANTT trong vườn cao su (gọi tắt là Tổ CNTQ) đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ để lên đường tuần tra phòng, chống tội phạm trong vườn cao su.
Công an xã An Bình, huyện Phú Giáo phối hợp với Tổ công nhân, nhân dân tự quản trong vườn cao su tuần tra bảo đảm an ninh trật tự
Trong không gian tĩnh lặng giữa rừng cao su, tiếng pô xe máy của Tổ tuần tra CA xã An Bình có lẽ là âm thanh duy nhất, mang đến một cảm giác yên tâm cho những công nhân “cạo đèn”. Khi trời bắt đầu hừng sáng cũng là lúc những người thợ cạo mủ hoàn thành ca làm việc, còn Tổ tuần tra CA xã An Bình và Tổ CNTQ kết thúc ca phối hợp tuần đêm. Hoạt động tuần tra trên được CA xã An Bình và Tổ CNTQ duy trì trong suốt nhiều năm qua, đã và đang mang lại nhiều kết quả đáng mừng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm hoạt động trong vườn cao su.
Uống một ngụm trà nóng giúp làm ấm người sau ca tuần tra đêm, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong, Trưởng CA xã An Bình, cho biết những năm về trước, tình hình trộm cắp mủ cao su, “đá nóng” xe máy thường xuyên diễn ra ở những nông trường. Từ năm 2017, chính quyền địa phương thành lập, đưa vào hoạt động mô hình Tổ CNTQ với mục đích huy động công nhân lao động tham gia bảo vệ ANTT trong vườn cao su. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này, UBND xã An Bình đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban Thường trực Tổ CNTQ, đồng thời ban hành quyết định thành lập 12 Tổ CNTQ tại địa bàn 12 ấp với 565 thành viên.
Vì một số Tổ CNTQ hoạt động không hiệu quả cùng với một số ấp không còn cây cao su đang cạo mủ nên UBND xã An Bình đã củng cố và xây dựng lại Tổ CNTQ theo hướng rút gọn để hoạt động có hiệu quả hơn với 5 tổ, với gần 200 thành viên.
Từ khi thành lập, các Tổ CNTQ đã phối hợp với CA xã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp mủ cao su và nông cụ. Không những thế, Tổ CNTQ còn giúp CA địa phương nắm tình hình ANTT trong vườn cao su, từ đó giúp CA địa phương kịp thời có kế hoạch xử lý khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt, Tổ CNTQ còn tham gia, hỗ trợ các lực lượng chức năng tuần tra khi có yêu cầu. Ngoài ra, Tổ CNTQ còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến đông đảo người lao động. Nhờ đó mà tình trạng trộm cắp tài sản, trộm mủ cao su, hay tụ tập đá gà, đánh bài ăn tiền trong vườn cao su đã giảm đáng kể.
Đang trao đổi với P.V, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong nhận được điện thoại của ông Trần Nhật Bon, thành viên Ban Thường trực Tổ CNTQ, phụ trách Tổ CNTQ trong Nông trường Cao su An Bình, về việc phát hiện 2 đối tượng lạ mặt đi xe máy rảo quanh trong vườn cao su. Ngay sau đó, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong điều động một tổ công tác xuống phối hợp với Tổ CNTQ để kiểm tra, xác minh thông tin đối tượng. Qua kiểm tra, hai thanh niên này cho biết từ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đến đây tìm nhà người quen. Mặc dù họ đã được người quen hướng dẫn nhưng vì không quen đường nên đã đi “lạc” vào đây. Sau khi biết địa chỉ của hai thanh niên này cần tìm, tổ công tác nhiệt tình hướng dẫn họ đi đến đó.
Từ đầu năm đến nay, các Tổ CNTQ đã cung cấp 9 tin báo cho CA xã, trong đó có 3 tin về nghi vấn đối tượng trộm cắp tài sản, 4 tin về các đối tượng tụ tập đá gà, đánh bài ăn tiền trong vườn cao su.
Hiện nay 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều xây dựng câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Tính từ năm 2013 đến nay, các câu lạc bộ đã trực tiếp vận động nhân dân cung cấp được hơn 15.000 tin báo với hơn 13.000 tin có trị, giúp lực lượng công an điều tra, khám phá, xử lý 35.516 vụ, với hơn 38.000 đối tượng. |
“Cánh tay nối dài” của CA cơ sở
Bên cạnh việc xây dựng những mô hình tự quản phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa bàn, các địa phương còn chú trọng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động những mô hình đã có để phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở. Cụ thể như tại huyện Bàu Bàng, hiện có 393 Tổ nhân dân tự quản về ANTT (gọi tắt là Tổ NDTQ), với hơn 700 thành viên. Các Tổ NDTQ đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, là điểm sáng về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp CA cơ sở làm tốt công tác nắm hộ, nắm người và vận động, tuyên truyền người dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Nói về đóng góp của mô hình này tại địa phương, Trung tá Nguyễn Châu Long, Trưởng CA xã Trừ Văn Thố, cho biết trên địa bàn xã hiện có 74 Tổ NDTQ, với các thành viên là những người am hiểu kiến thức pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Trong quá trình hoạt động, các Tổ NDTQ trên địa bàn đã hỗ trợ CA xã rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương. Đặc biệt qua công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các Tổ NDTQ đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp CA xã điều tra làm rõ nhiều vụ việc.
Có thể nói thời gian qua công tác giữ gìn ANTT ở địa bàn nông thôn, đặc biệt là ở các vùng giáp ranh đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Ngoài vai trò chủ lực là lực lượng CA thì các mô hình tự quản trong nhân dân đã phát huy được hiệu quả, giúp nhiều vụ việc nhanh chóng được làm rõ. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện nay cấp tỉnh có 59 mô hình được xây dựng, quản lý và có hồ sơ quản lý theo đúng quy định, có nhiều mô hình nổi bật, mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, ở một số địa bàn vùng nông thôn, hàng loạt mô hình như: Địa chỉ tin cậy; Phụ nữ với pháp luật; Nông dân với pháp luật; Tổ nhân dân tự quản… cũng đã có nhiều đóng góp cho công tác giữ gìn ANTT ở địa phương.
Phối hợp bắt cướp ở địa bàn giáp ranh Thời gian qua, nhờ công tác phối hợp giữa CA huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và CA các địa bàn giáp ranh như Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh thực hiện tốt nên nhiều vụ việc nhanh chóng được làm rõ. Cụ thể như thành tích phối hợp làm rõ vụ cướp tài sản của chị Trần Thị Kim H.. Trên đường từ huyện Bàu Bàng về nhà, khi đến đoạn đường đất đỏ thuộc ấp Đ ồng Bà Ba, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, chị H. bị một thanh niên điều khiển xe máy chặn lại khống chế cướp tài sản rồi tẩu thoát trong đêm. Sau khi nhận được tin báo, trinh sát hình sự CA huyện Dầu Tiếng đã xác lập chuyên án để huy động lực lượng, phương tiện truy xét đối tượng gây án. Lực lượng được chia thành nhiều tổ, khoanh vùng, rà soát các đối tượng có tiền án, tiền sự trên đị a bàn và các địa bàn giáp ranh như huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh); huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Không lâu sau đó, qua công tác phối hợp đã xác định đối tượng Võ Tấn Lợi (SN 1991, ngụ TX.Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) là nghi án nên tiến hành bắt giữ phục vụ công tác điều tra. |
T.PHƯƠNG - N.HẬU - T.QUANG