Sau khi 4 ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất kỳ hạn ngắn, tiến tới giảm lãi vay ở các kỳ hạn, nhiều ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ lại thu hút tiền nhàn rỗi ở kỳ hạn dài và tập trung vào phân khúc khách hàng có số dư tiền gửi lớn. Động thái này gây lo ngại về khả năng ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay trung - dài hạn, nhất là vào thời điểm cuối năm với nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh tăng cao và mục tiêu đưa mức lãi vay ổn định ở mức 5%/năm từ nay đến năm 2020 liệu có khả thi?
Theo các chuyên gia, hiện tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao đã khiến các ngân hàng khó giảm lãi vay ở kỳ hạn trung, dài hạn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG
Lãi vay vẫn “đủng đỉnh”
Giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở giảm lãi suất vay là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh có ít nhân tố hỗ trợ. Nhưng thông tin chung từ đại diện một số doanh nghiệp (DN) thuộc hiệp hội ngành hàng gỗ, thủ công mỹ nghệ, may mặc trên địa bàn tỉnh cho thấy, đến thời điểm này nhiều DN chưa nhận được thông báo điều chỉnh giảm lãi vay từ ngân hàng. Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết, các DN trong ngành vẫn đang vay sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 6 - 7,5%/năm (kỳ hạn ngắn). Riêng tại DN của ông, mới đây thậm chí ngân hàng còn điều chỉnh hợp đồng tín dụng tăng thêm 0,3%/năm, lên mức 6,8%/năm so với 3 tuần trước. Còn ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Lam Viet JSC cho biết, DN cũng đang vay ngân hàng với mức lãi suất như trên.
Xác nhận thực tế này, đại diện một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho biết việc điều chỉnh giảm lãi suất vay chưa diễn ra do thời gian điều chỉnh hạ lãi vay trong hợp đồng chưa đến thời hạn cam kết. Mặt khác, mức giảm lãi vay cần có độ trễ nhất định để ngân hàng cân đối giữa nguồn huy động và cho vay nhằm giảm lãi vay về mức dưới 5%.
“Chọn mặt” hạ lãi vay
Theo tìm hiểu của phóng viên, gần đây các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tung ra các gói vay ưu đãi hỗ trợ DN với lãi vay chỉ từ 5,5 - 6%/năm (thấp hơn 0,5 - 1%/năm) so với lãi vay chung. Tuy vậy, không phải tất cả khách hàng đều được hưởng mức lãi suất ưu đãi này. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bình Dương cho biết, lãi suất đầu ra phụ thuộc lãi suất đầu vào và một số tỷ lệ khác như biên độ lợi nhuận, chi phí hoạt động... Vì thế, BIDV chưa điều chỉnh hạ ngay lãi vay và giảm đại trà cho DN mà chỉ giảm lãi suất vay cho khách hàng đạt các tiêu chí do ngân hàng đưa ra. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa đưa ra mức lãi suất vay chung cho các đối tượng DN vừa và nhỏ, nhóm khách hàng thuộc đáp ứng đủ điều kiện nên ngân hàng tạm thời điều chỉnh lãi vay ở kỳ hạn ngắn trên một số DN.
Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bình Dương đang thực hiện nhiều chương trình, gói cho vay ưu đãi 5,5%/năm, thậm chí có thể linh hoạt cho vay dưới mức 5,5%/năm. Đây là mức lãi vay mà nhiều DN đang mong muốn. Thế nhưng, liệu có bao nhiêu DN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này? Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bình Dương cho biết, sở dĩ ngân hàng có thể áp dụng mức lãi vay “đẹp” dưới 5,5%/năm là vì tranh thủ dòng tiền gửi không kỳ hạn khá ổn định tại Vietcombank, cộng với nguồn gửi có kỳ hạn để đẩy tăng tín dụng đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch... Tuy nhiên, mức lãi suất “siêu” ưu đãi trên chỉ áp dụng sau khi ngân hàng tính toán giá vốn ngân hàng dành tỷ lệ ngân sách nhất định để cho vay ưu đãi ở kỳ hạn ngắn. “Các gói ưu đãi lãi vay này luôn có thời hạn, có thể chấm dứt hoặc tiếp tục duy trì khi ngân hàng còn có thể cân bằng được giá vốn”, ông Quang nói.
Lãi vay khó giảm mạnh
Giảm lãi vay không chỉ là kỳ vọng của DN mà còn là của ngành ngân hàng. Nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ đang đề nghị các ngân hàng kéo lãi vay về mức dưới 5%/năm. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành cho biết, có quá nhiều yếu tố gây sức ép để lãi suất cho vay không những không giảm mà còn có khả năng tăng. Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HD Bank) phân tích, giảm lãi suất cho vay thời điểm này rất khó khi nhu cầu vốn bắt đầu tăng từ nay đến cuối năm. Chưa kể, lãi suất cho vay hiện có dấu hiệu nhích lên sau khi nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất đầu vào vài tuần qua. Do đó, giữ ổn định lãi suất vay không tăng đến cuối năm đã là một nỗ lực của các ngân hàng nhằm hỗ trợ DN.
Xung quanh mục tiêu kéo lãi suất cho vay về 5%/năm theo đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, tiến sĩ Phan Văn Thường, giảng viên khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm nữa để hỗ trợ DN không chỉ là mục tiêu của Chính phủ mà đòi hỏi tự thân của các ngân hàng, vì DN phát triển tốt sẽ tạo mảnh đất tốt cho ngân hàng hoạt động. Nhưng lãi suất là một yếu tố của kinh tế vĩ mô. Mục tiêu giảm lãi suất cho vay của ngân hàng phải phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô. Đây là bài toán đơn giản ai cũng đánh giá được.
Theo tính toán của tiến sĩ Thường, để cho vay với lãi suất bình quân là 5%/năm, lãi suất huy động vốn bình quân chỉ ở mức 2,5 - 3%/năm. Phần chênh lệch từ 2 - 2,5%/năm để ngân hàng trang trải chi phí hoạt động và có lợi nhuận. Muốn huy động tiền gửi với lãi suất dưới 3%/năm thì lạm phát mục tiêu phải thấp hơn 3%/năm. Thời gian qua, việc thực hiện lạm phát mục tiêu khoảng 5%/năm đã hết sức khó khăn, vậy việc chúng ta đặt lạm phát mục tiêu dưới 3%/năm liệu có khả quan?
THANH HỒNG