Giữ vững, phát huy giá trị vườn cây đặc sản

Cập nhật: 15-04-2020 | 08:43:20

Nhằm từng bước khôi phục lại thương hiệu, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, trong những năm qua, TP.Thuận An đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn.

 Vườn cây ăn trái đặc sản thương hiệu Lái Thiêu đã được du khách gần xa biết đến

 Triển khai nhiều giải pháp

TP.Thuận An được biết đến với khá nhiều loại trái cây đặc sản mang thương hiệu “Lái Thiêu”. Trong đó, đặc biệt măng cụt Lái Thiêu đã được nhiều người biết đến, là một trong 50 cây ăn trái đặc sản Việt Nam được tổ chức sách kỷ lục Việt Nam xác nhận. Tuy nhiên, trong những năm qua, vườn cây ăn trái đã có biểu hiện sụt giảm về năng suất, chất lượng. Du khách tham quan cũng giảm dần, giá trị kinh tế giảm... đã làm cho đời sống người nông dân khu vực vườn cây chưa được cải thiện đáng kể, người dân cũng ngại đầu tư vào vườn cây.

Xác định việc duy trì vườn cây ăn trái có vai trò quan trọng trong lộ trình phát triển của TP.Thuận An, đây được xem là lá phổi của địa phương, vừa có tác động trong việc bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan và phát triển du lịch sinh thái. Nhằm từng bước khôi phục lại thương hiệu, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy Thuận An ban hành Chương trình số 07-Ctr/TU về đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị; giữ vững và nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2015-2020; UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 1216/KH-UB để thực hiện.

Thực hiện Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND ngày 20-12- 2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định về chính sách giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản của Bình Dương giai đoạn 2017- 2021, TP.Thuận An đã tổ chức cho các hộ dân đăng ký tham gia để được hưởng các chính sách ưu đãi. Với chính sách này, nông dân trên địa bàn đã được hỗ trợ phân bón và tiền chăm sóc mương vườn, đã tạo động lực cho nông dân tích cực gắn bó với vườn cây ăn trái và giữ vững thương hiệu đặc sản Lái Thiêu.

Trên cơ sở đó, địa phương đã hình thành các chuỗi liên kết trong hội viên nông dân và nhà vườn trong trồng trọt, kinh doanh măng cụt Lái Thiêu trên địa bàn xã An Sơn và các phường An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm. Cùng với đó, địa phương còn hướng dẫn nông dân quy trình thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP. Ngoài ra, hàng năm từ nguồn ngân sách phân bổ, địa phương đã hỗ trợ và cung cấp tem, nhãn hiệu, bao bì đóng gói cho tiểu thương và nông dân. Đồng thời, TP.Thuận An đã đầu tư cải tạo, hoàn thiện và khai thác hiệu quả các địa điểm sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái...

Ông Đinh Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết nhằm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển du lịch vườn, những năm qua xã đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị. Trong đó có chính sách hỗ trợ trồng mới và thâm canh, chăm sóc vườn; hỗ trợ nhà vườn mất mùa, tư vấn kỹ thuật, tham quan… để hướng tới xây dựng mô hình vườn cây ăn trái đạt chuẩn gắn với phát triển du lịch sinh thái..

Phát triển du lịch

Từ khi thương hiệu măng cụt Lái Thiêu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, các nhà vườn đã dần có ý thức cần phải liên kết lại với nhau. Thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều, cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.

Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn (xã An Sơn), chia sẻ khu vực xã An Sơn chiếm 70% diện tích trồng cây măng cụt của TP.Thuận An. Để đưa thương hiệu măng cụt Lái Thiêu tiến xa hơn, hợp tác xã đang đi theo hướng VietGAP, áp dụng trên 7 hộ gia đình có diện tích cây măng cụt lớn và sau đó gom về hợp tác xã, tìm hướng đi ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, hiện các hộ dân trong xã vẫn còn trồng theo kiểu manh mún và bán ra thị trường nhỏ lẻ theo phương thức thương lái về tận vườn thu mua.

Để tiếp tục giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái lâu đời, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển các vườn cây đặc sản và sớm triển khai thực hiện. Trên cơ sở này, TP.Thuận An đã có chủ trương tập trung nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Hiện nay, đã và đang triển khai các dự án, đề án, quy hoạch, đơn cử như “Thiết kế quy hoạch khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu theo hướng phát triển bền vững”.

Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Phát triển vườn cây ăn trái trước tiên là phải duy trì bằng cách tác động mạnh vào sự phát triển du lịch sinh thái vườn. Để làm được điều này, trong những năm qua, địa phương đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm giữ vững vườn cây ăn trái trên địa bàn. Phải làm vườn cây đẹp, trong đó vườn cây ăn trái được xây dựng theo hướng VietGAP, sản phẩm trái cây đạt tiêu chuẩn chất lượng, có truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu, mẩu mã đẹp, cùng với thương hiệu măng cụt Lái Thiêu sẵn có. Ngoài ra, địa phương kết hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn những hộ có đáp ứng về điều kiện diện tích và có vốn, thì Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng những điểm du lịch sinh thái vườn cây, homestay hoặc dạng vừa vườn cây, vườn kiểng, vừa vườn xưa để thu hút được du khách đến và còn phải quay trở lại. Một trong những điều kiện thuận lợi nữa là khi cảng An Sơn chính thức đi vào hoạt động, thiết lập được cầu cảng đưa đoàn khách du lịch từ TP.Hồ Chí Minh đến ngay An Sơn một cách thuận tiện và dễ dàng hơn”.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=631
Quay lên trên