Thời gian vừa qua, 2 vụ việc thương tâm do trầm cảm hậu Covid-19 xảy ra gây xôn xao dư luận. Đó là vụ thầy giáo thể dục tại Bắc Giang tự tử ở trường nghi do mất ngủ dài ngày sau khi mắc Covid-19 và mẹ sát hại con 2 tuổi rồi tự tử khi đang điều trị Covid-19 tại Hải Dương.
Đa số thanh thiếu niên gặp rắc rối tâm lý
BSCKII Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý nhiều hơn, trong đó phần lớn là thanh - thiếu niên từ 15-20 tuổi đến khám chủ yếu với biểu hiện rối loạn trầm cảm.
Điển hình, vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.M.K (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) đến khám trong tình trạng nhiều vết sẹo ở tay chân. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân chia sẻ rất sợ tự sát nên thường lấy những vật sắc nhọn, mảnh vỡ trong nhà để làm rách tay hoặc chân, mỗi lần nhìn thấy máu chảy ra, K. cảm thấy dễ chịu hơn, không nghĩ đến tự sát nữa.
Theo BS Minh, những bệnh nhân như K. tại bệnh viện gặp thường xuyên. Do đó, để điều trị, các bác sĩ tại đây đã dùng liệu pháp tâm lý, trò chuyện với bệnh nhân. Đặc biệt, phối hợp với gia đình để người bệnh được hỗ trợ tâm lý. Đối với K., sau thời gian điều trị đến nay em đã hồi phục.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết thanh - thiếu niên bị trầm cảm dễ gây ra hành vi xung động, chống đối xã hội. Điều này khác với trầm cảm ở người lớn, họ thường thu lại, ít giao tiếp và tiêu cực. Về mặt sinh học, ở tuổi vị thành niên khi xuất hiện trầm cảm sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ nóng nảy, bứt rứt, mất ngủ…
BS Đặng Trần Khang, Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nguyên nhân gây trầm cảm hậu Covid-19 thường là tâm lý lo lắng sợ mắc bệnh, sợ lây bệnh cho người khác, tác động của Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập, kinh tế, lo sợ không tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt sự đau khổ do mất người thân bởi Covid-19 khiến người bệnh hoảng loạn, buồn rầu.
Đơn vị hỗ trợ tâm lý sau Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) là một trong những đơn vị có nhiều bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 liên quan đến trầm cảm
Có thể điều trị khỏi
Theo BS Lâm Hiếu Minh, trầm cảm ở tuổi thanh - thiếu niên nổi bật nhất vẫn là điều trị tâm lý. Bệnh vẫn có thể tái phát trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, khi người bệnh có những biến cố ảnh hưởng đến tâm sinh lý như sinh em bé, tiền mãn kinh, thay đổi công việc, môi trường sống, gia đình… Do đó, ngoài liệu pháp tâm lý từ bác sĩ và gia đình đối với trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc chống trầm cảm, giải lo âu.
BS Hiếu Minh cũng lưu ý, với gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên cần dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện. Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng bất thường về tâm lý, phụ huynh cần đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý để can thiệp kịp thời, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng tiếp thu trong học tập của trẻ.
"Giảm trí nhớ và mất ngủ là biểu hiện điển hình của trầm cảm. Tuy nhiên, không phải ai có triệu chứng này cũng là trầm cảm bởi phải có ít nhất 5/9 triệu chứng, biểu hiện thì nên đến gặp bác sĩ thăm khám. Riêng với trẻ em, việc chẩn đoán trầm cảm sẽ có nhiều vấn đề hơn như áp lực học hành bởi trong bối cảnh học online khi đi vào học chính thức không đạt như kỳ vọng của thầy cô giáo, hoặc không đạt những tiêu chuẩn trung bình khi chưa có dịch nên có áp lực riêng không giống người lớn" - BS Khang dẫn chứng.
BS Khang cho biết để chẩn đoán trầm cảm, các bác sĩ sẽ áp dụng nghiệp vụ chuyên môn để nhận định tình trạng bệnh của từng trường hợp. Đối với bệnh trầm cảm có thể điều trị được. Có một số bệnh nhân gặp tình trạng mất ngủ đã tự mua thuốc an thần, thuốc ngủ để sử dụng, BS Khang khuyến cáo biện pháp này mới chỉ giải quyết phần ngọn. Nếu sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ sẽ khiến tình trạng trầm cảm nặng hơn.
Theo NLĐ