Gốm sứ là nghề truyền thống của tỉnh Bình Dương vốn nổi tiếng khắp cả nước. Thời hoàng kim, gốm sứ đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp gốm sứ đang gặp vô vàn khó khăn như thiếu hụt lao động, thiếu vốn đầu tư công nghệ mới. Bên cạnh đó, việc hết thời hạn thuê đất cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh lo lắng về sự tồn tại của mình.
Theo lãnh đạo Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Việt (phường Thuận Giao, TX.Thuận An), do trước đây khi thành lập, doanh nghiệp chỉ làm thủ tục thuê đất có thời hạn 20 năm, đến nay đã hết thời hạn và doanh nghiệp làm đơn xin điều chỉnh, gia hạn thuê đất lên 50 năm để tiếp tục sản xuất, gắn bó với ngành nghề. Doanh nghiệp đã nhận được văn bản của Sở Kế hoạch - Đầu tư trả lời là không được sản xuất nữa mà chỉ được làm dịch vụ và kho bãi, vì vậy doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp cũng không còn hoạt động sản xuất trong ngành gốm sứ.
Sản xuất gốm sứ tại Công ty gốm sứ Phước Dũ Long. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Không chỉ DNTN Hoàng Việt, hiện một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành gốm sứ trên địa bàn tỉnh cũng gần hết thời hạn hợp đồng thuê đất sản xuất và đang hết sức lo lắng liệu doanh nghiệp có được tiếp tục gia hạn hay không? Trước tình hình này, Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã kiến nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư có văn bản hướng dẫn cụ thể và thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ biết trường hợp nào cho phép được tiếp tục gia hạn để sản xuất tại vị trí cũ, trường hợp nào không được tiếp tục sản xuất phải di dời.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với dự án đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở thời gian sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho doanh nghiệp. Trong trường hợp hết thời gian sử dụng đất, để tiếp tục hoạt động thực hiện dự án đầu tư tại địa điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp phải xin gia hạn thời gian sử dụng đất. Về việc xin gia hạn thời gian thuê đất thực hiện dự án, đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Sở Tài nguyên - Môi trường để được hướng dẫn thủ tục gia hạn thời gian thuê đất.
Đối với việc một số doanh nghiệp không được cấp phép gia hạn để sản xuất là do theo Kế hoạch thực hiện Chương trình số 34-CTr/TU của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, một trong nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ngành là tiếp tục vận động chuyển đổi công năng khu vực sản xuất công nghiệp ở phía nam của tỉnh theo hướng chuyển sang phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị, công nghiệp công nghệ cao. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ đề nghị cho phép được tiếp tục gia hạn để sản xuất tại vị trí thuộc địa bàn phía nam của tỉnh (TX. Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một) là không phù hợp. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, Sở Kế hoạch - Đầu tư đề nghị các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ có nhu cầu gia hạn thời gian hoạt động sản xuất tại vị trí cũ nộp hồ sơ tại sở, trên cơ sở đó sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan rà soát, báo cáo UBND tỉnh xem xét có ý kiến trả lời từng trường hợp cụ thể.
Lãnh đạo Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết mong muốn chức năng ban hành văn bản quy định cụ thể những trường hợp nào trong vùng quy hoạch thì được gia hạn và doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chí nào, trường hợp nào không đủ điều kiện gia hạn để doanh nghiệp yên tâm tìm phương án kinh doanh khác, hoặc tìm nơi di dời sản xuất. Trong trường hợp buộc phải di dời doanh nghiệp, mong các ngành chức năng sớm hỗ trợ để các doanh nghiệp thuận lợi trong phương án di dời, chuyển đổi ngành nghề… Nếu trong trường hợp tiếp tục được gia hạn thuê đất để sản xuất, doanh nghiệp mong muốn các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hành chính để quá trình sản xuất của họ không bị gián đoạn.
TIỂU MY