Gỡ khó trong phát triển hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cập nhật: 07-05-2019 | 19:42:43

Ngày 6-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) được tổ chức tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần có một cú hích lớn để phát triển hạ tầng giao thông cho vùng trong thời gian tới.  

Điểm nghẽn hạ tầng

Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, cho rằng giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là hai vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của Vùng KTTĐPN. Do đó, để tạo động lực cho phát triển vùng cần lồng ghép chính sách đặc biệt để phát triển quy hoạch hệ thống giao thông; có bộ phận nghiên cứu trực tiếp nhằm tham mưu phát triển vùng chứ không kiêm nhiệm như hiện nay.

Theo ông, phát triển chuỗi vùng đô thị mà không có giao thông kết nối là không ổn. Hiện các đường vành đai trong Vùng KTTĐPN chưa kết nối được; trong vùng chưa có nhiều đường cao tốc. Trong ngắn hạn, chúng ta có thể tận dụng hạ tầng sẵn có để phát triển nhưng về dài hạn thì còn nhiều việc phải làm, vì dân số càng ngày càng đông, trên đường ngày càng nhiều xe cộ do trên địa bàn có nhiều nhà máy, xí nghiệp hơn.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến đường huyết mạch, kết nối Bình Dương với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, so sánh: Đóng góp giá trị GDP của Vùng KTTĐPN lớn hơn của 3 vùng KTTĐ khác trong nước cộng lại. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra đầu vào trong vùng đang mất cân đối. 10km2 đất ở TP.Hồ Chí Minh mới chỉ có 2km đường, phải xây dựng trong 50 năm nữa thành phố mới đủ đường giao thông. “Hiện Vùng KTTĐPN chỉ có khoảng 91km đường cao tốc, chỉ bằng 11% cao tốc cả nước. Số doanh nghiệp, hàng hóa vận tải trong vùng rất lớn nhưng hạ tầng phát triển chưa tương xứng, về lâu dài là không ổn; đường chật, nhà chật thì không thu hút bền vững”, ông Nhân nói.

Tuy nhiên, theo ông Thể, để làm được những việc nói trên cần huy động tốt các nguồn lực. Trước hết là nguồn lực từ Trung ương và các địa phương để làm các tuyến đường nằm trong phạm vi phát triển của TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh. “Nếu các địa phương trông chờ vào chúng tôi thì chúng tôi chắc rằng sẽ trở thành điểm nghẽn kéo dài. Có nhiều địa phương đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để phát triển hạ tầng giao thông, điển hình như ở Bình Dương có Tổng Công ty Becamex IDC. Do vậy, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp cùng xắn tay với Nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông”, ông Thể nói.Đồng ý với nhiều ý kiến của các chuyên gia, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải, cho rằng giao thông hiện nay ở Vùng KTTĐPN là điểm nghẽn của khu vực. Về giải pháp sắp tới, ông cho biết bộ đang tập trung các nguồn lực để làm 2 tuyến đường bộ vành đai 3 (khoảng 90km), vành đai 4 (khoảng 190km) để kết nối các tỉnh trong khu vực và TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, bộ cũng nghiên cứu đầu tư thêm 3 đường cao tốc gồm TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước), TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu. Nếu không làm 3 tuyến đường cao tốc này, cùng với đường vành đai sẽ tạo điểm nghẽn lớn cho TP.Hồ Chí Minh.

Nhiều giải pháp

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, 5 năm trở lại đây Vùng KTTĐPN đang phát triển chậm lại do vướng mắc nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông là việc cần phải làm ngay và tiến hành quyết liệt, nếu không Vùng KTTĐPN tụt hậu ngay trong khoảng vài năm nữa.

Trong các giải pháp để phát triển Vùng KTTĐPN, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm đầu tư các tuyến giao thông, như mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, kéo dài tuyến đường sắt đô thị đến TP.Biên Hòa (Đồng Nai), đường vành đai 3, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước)…

Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất, phải có tổ chức tư vấn lãnh đạo vùng mới họp bàn giải quyết được vấn đề. Để vùng động lực phát triển, Chính phủ cần có quy hoạch mang tính động lực vùng. Hiện chúng ta cứ phân bổ ngân sách theo tỉnh, cơ cấu kinh tế theo tỉnh là không đạt. Trong khi đó, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đưa ra kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai TP.Hồ Chí Minh, hệ thống cảng - logistics; cùng với đó tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú nêu rõ, muốn Vùng KTTĐPN phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì phải thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc hay chia cắt bởi địa giới hành chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng (các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc tế). Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với các địa phương kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển kết cấu hạ tầng; kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với phát triển đô thị bảo đảm công khai, minh bạch để tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư...

Vùng KTTĐPN gồm 8 tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Đây được xem là vùng kinh tế động lực cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong công nghiệp hóa đất nước; là đầu tàu kinh tế, chiếm 42,42% GDP cả nước và 50,9% GDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.

Một trong những điểm nhấn khá quan trọng tại Hội nghị phát triển Vùng KTTĐPN chính là điểm sáng Tổng Công ty Becamex IDC của Bình Dương. Đây là doanh nghiệp được giới thiệu là một điển hình trong phát triển Vùng KTTĐPN.
Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ, cách đây 20 năm, Bình Dương đã tạo điểm nhấn đột phá với cách làm đầy sáng tạo. Theo đó, lần đầu tiên trong vùng một doanh nghiệp địa phương đã có cơ chế huy động nguồn vốn đặc biệt hiệu quả để “mở lối” phát triển không chỉ cho Bình Dương mà còn đóng góp cho giao thông toàn vùng. Chúng ta cần nhân rộng và huy động những doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm như Becamex IDC cùng chung tay phát triển hạ tầng cho cả vùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết những mục tiêu, định hướng lớn, quy hoạch tương lai của Vùng KTTĐPN đã rất rõ nét, những cơ hội và thách thức đã tỏ tường nhưng tại sao nhiều dự án của vùng vẫn chưa thể triển khai hiệu quả? Tại sao những điểm cốt lõi và vô cùng bức thiết như cảng biển, sân bay, tuyến đường kết nối… vẫn chưa thể tiến hành nhanh chóng. Sau những câu hỏi đặt ra, người đứng đầu Becamex IDC kiến nghị phải có cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị.
Ông Hùng đề xuất, cơ chế điều phối vùng cần phải có sự phân cấp phân quyền mạnh hơn, cụ thể, thực chất, trọng tâm hơn. Đại diện lãnh đạo Chính phủ với tầm nhìn quốc gia, vai trò khách quan có thể trực tiếp chỉ đạo Vùng KTTĐPN để bổ sung hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, đưa ra những quyết định quyết liệt, những quả đấm thép thì mới có thể tạo bứt phá.

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=679
Quay lên trên