Song song với việc ứng dụng nộp thuế điện tử, chữ ký số (CKS) ra đời đã giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm nhiều thời gian, công sức trong một số giao dịch với ngân hàng, cơ quan hành chính như thuế, hải quan…
Doanh nghiệp tham khảo thông tin cung cấp CKS tại Cục Thuế tỉnh.
Ảnh: T.HỒNG
Nhiều tiện ích
Công ty TNHH sản xuất Vali Exo (Khu công nghiệp Sóng Thần 3, TP.Thủ Dầu Một) là một trong những công ty triển khai thực hiện CKS đầu tiên (năm 2011) tại Bình Dương. Chị Trần Thị Tình, phụ trách kế toán công ty cho biết, việc ứng dụng CKS đem lại cho DN nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử. Bên cạnh đó còn góp phần đẩy nhanh các giao dịch qua mạng trong khi vẫn bảo đảm độ an toàn và bảo mật thông tin.
CKS cũng góp phần làm thông quan hàng hóa nhanh, đặc biệt trong trường hợp DN cần bổ sung hay có bất kỳ thay đổi nào trong hồ sơ điện tử. DN không cần đến các Chi cục Hải quan hay Cục Thuế làm thủ tục mà chỉ ngồi tại DN đăng ký và làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Tại Công ty ENS Foam (TP. Thủ Dầu Một), việc ứng dụng CKS trong nộp các tờ khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng, tờ khai quyết toán thuế thu nhập hàng quý, tờ khai thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân cho người lao động đã được thực hiện từ năm 2012 đến nay. Chị Nguyễn Thị Tâm Thanh, kế toán công ty cho biết, từ năm 2012, công ty đã ứng dụng CKS trong nhiều giao dịch với cơ quan thuế. Quá trình triển khai cho thấy rõ ưu điểm tiết kiệm thời gian vì không phải xếp hàng tại cơ quan thuế vào những ngày cuối tháng, lại có thể nộp các tờ khai bất kể lúc nào.
DN còn gặp khó
Theo ý kiến từ phía các DN, vấn đề lớn DN còn băn khoăn chính là tính bảo mật của CKS. Theo chị Lê Thị Kim Châu, kế toán của một công ty tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TX. Bến Cát) đối với tài liệu giấy, chữ ký được một lần và chỉ có một bản duy nhất (bản gốc). Nếu bản gốc duy nhất mất đi thì sẽ không có bản thứ hai giống hệt như vậy. Nhưng với văn bản điện tử đã được ký bằng CKS, người ta có thể copy lại và bản copy từ bản chính và bản copy từ bản copy không có gì khác biệt so với bản chính duy nhất được ký. Hơn nữa, khi có thanh kiểm tra thuế thì các văn bản, báo cáo thuế có đóng dấu, mộc chữ ký tay lại là bản đối chiếu phục vụ công tác thanh kiểm tra thuế. Đây là một cái khó đối với người làm công tác quản lý số liệu.
Chị Trần Thị Tình thì cho rằng, sự lệ thuộc vào máy móc và chương trình phần mềm cũng là một cái khó vì CKS là chương trình phần mềm máy tính. Trong trường hợp DN chưa nâng cấp kịp phần mềm của Tổng cục Thuế hoặc trục trặc phần mềm thay đổi hệ thống kê khai thì xem như báo cáo thuế sẽ bị nộp trễ. Do vậy, để kiểm tra tính xác thực của CKS cần có hệ thống máy tính và phần mềm tương thích. Theo chị Nguyễn Thị Tâm Thanh, việc sử dụng CKS vẫn còn một số vướng mắc khi cơ sở hạ tầng thông tin của Cục Thuế chưa đáp ứng được nhu cầu khai báo thuế của DN, do đường truyền dữ liệu chưa ổn định, hoạt động của hệ thống kê khai thuế qua mạng hay bị ngưng trệ...
Ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh cho biết, hiện nay do cùng thời điểm Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng nộp thuế điện tử và DN thường tập trung chuyển báo cáo thuế vào cuối tháng nên những sự cố phát sinh thường xảy ra đối với băng thông đường truyền. Đây là những trục trặc kỹ thuật ngoài ý muốn. Trong thời gian tới, khi Tổng cục Thuế tiếp tục nâng cấp đường truyền vấn đề này sẽ được khắc phục.
“Để tránh tình trạng nghẽn trên cổng khai báo của Tổng cục Thuế, DN nên sử dụng hệ thống T-VAN. Đây là hệ thống chia sẻ đường truyền của các nhà cung cấp dịch vụ rất tiện ích, bảo mật, nhanh chóng, phục vụ công tác kết nối với Cục Thuế, Tổng cục Thuế và các lĩnh vực giao dịch thương mại điện tử khác. Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp cải thiện đường truyền, góp phần giúp hệ thống hoạt động thông suốt cũng như bảo đảm lợi ích cho DN”, ông Hải nói.
THANH HỒNG