Bài 9: Trận cầu Lái Thiêu - Thêm kinh nghiệm cho lối đánh đặc công
Dù cầu Phú Long mới hiện đã được xây dựng to đẹp hơn nhưng cầu sắt Lái Thiêu (còn được gọi là cầu Phú Long I) vẫn là hình ảnh quen thuộc với người dân Lái Thiêu bởi ý nghĩa lịch sử của nó. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đối đầu giữa ta và địch, trong đó nổi bật nhất là trận đánh ngày 12-5-1969, lực lượng đặc công thủy của ta đã tập kích quân lực Sài Gòn và quân Tân Tây Lan, đánh gãy một nhịp cầu, làm địch rúng động.
Ông Phan Văn Dương đang kể lại trận đánh trên cầu sắt Lái Thiêu vào ngày 12-5-1969 Ảnh: T.THẢO
Hiện nay, những người trực tiếp tham gia trận đánh cầu sắt Lái Thiêu ngày 12-5-1969 không còn, nhưng khi nhắc lại trận đánh này vẫn còn nhiều người biết đến. Ông Phạm Văn Dương, nguyên Chính trị viên Thị đội Thuận An, người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thuận An cho biết, cầu sắt Lái Thiêu (cầu Phú Long I) là chiếc cầu quan trọng nối liền giao thông từ các huyện của tỉnh Gia Định đi sang tỉnh Thủ Dầu Một. Vì vậy, cầu luôn được địch bố trí, canh phòng cẩn mật. Cách cầu 800m là trường công binh. Tại đầu cầu, địch bố trí một đồn để tuần tra kiểm soát. Phía bờ trái là căn cứ của đơn vị hải quân, đây là lực lượng chủ yếu tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn ta đánh cầu bằng lực lượng đặc công nước. Dọc theo sông Sài Gòn về hướng thượng du, dân cư thưa dần, qua Rạch Châu, địch dùng máy bay rải chất độc hóa học nên địa hình rất trống trải. Phía hạ du, địch đã gom dân vào các ấp dân sinh, chỉ còn một số ít bám ruộng sản xuất nhưng bị địch kiểm soát rất gắt gao.
Tháng 4-1969, Tiểu đoàn đặc công Thủ Dầu Một được Bộ Chỉ huy Phân khu 1 giao nhiệm vụ tấn công cầu, mở màn đợt hoạt động xuân - hè 1969 của phân khu. Sau 1 tháng bám mục tiêu theo dõi quy luật hoạt động của địch, chế độ thủy văn của sông Sài Gòn, chỉ huy đơn vị tổ chức vận chuyển hơn 200kg thuốc nổ từ căn cứ về vị trí tập kết chiến đấu. Ngày 10-5-1969, Đảng ủy Tiểu đoàn hoàn thành kế hoạch tấn công đánh sập cầu sắt Lái Thiêu bằng lượng nổ lớn. |
Từ sau cuộc tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968, cơ sở cách mạng của ta ở Lái Thiêu và địa bàn xung quanh bị địch đánh phá còn rất mỏng. Lực lượng du kích cũng không bám được địa bàn, phải lùi ra các căn cứ ở phía bắc huyện. Do vậy, việc ém lực lương, nghiên cứu nắm tình hình địch rất khó khăn. Thời điểm đó, lực lượng địch trực tiếp bảo vệ cầu sắt Lái Thiêu gồm có 2 đại đội quân ngụy Sài Gòn làm nhiệm vụ kiểm soát, tuần tra trên cầu và hai đầu cầu. 1 đại đội lính Tân Tây Lan trang bị 8 ca nô chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên sông.
Bố phòng và thủ đoạn hoạt động của địch ở khu vực này là trên hai bờ bên đầu cầu địch bố trí hai tua trực tiếp kiểm soát người và phương tiện qua lại. Hàng ngày chúng điều hai tổ xuống gác tại hai trụ cầu bằng bê tông. Dưới chân cầu địch giăng lưới chống B40 và rào dây thép gai xung quanh. Lực lượng phía ngoài cầu hàng ngày tuần tra hai bên sông. Ban đêm chúng tổ chức phục kích những điểm xung yếu mà chúng nghi ngờ ta tập kích lực lượng để đánh cầu. Dưới sông thường xuyên có 6 ca nô chiến đấu có gắn súng đại liên, tổ chức tuần tra trên sông suốt đêm ngày. Theo quy định, 15 phút hai tàu tuần tra hai bên sông một lần. Ban đêm địch sử dụng đèn pha, đèn bảo vệ cầu chiếu sáng mặt sông hàng cây số. Ca nô tuần tra trên sông và lính gác trên cầu, thấy vật nghi ngờ là chúng thả lựu đạn và bắn bừa bãi xuống mặt sông. Do vậy, việc thả theo con nước tiếp cận cầu rất khó khăn, không thể tổ chức lực lượng đông để đánh cầu.
Chưa hết, sông Sài Gòn đoạn chảy qua Lái Thiêu chịu ảnh hưởng của thủy triều lên xuống hai lần theo tuần trăng. Để thực hiện thả trôi trong đêm từ vị trí tập kết đến cầu, ta phải chọn thời gian từ 7 hoặc 8 giờ đến 12 giờ; do vậy, công tác điều nghiên phải kỹ và tính toán vị trí tập kết phải hợp lý, vừa bảo đảm an toàn, đồng thời bảo đảm đủ thời gian để ta tiếp cận đến cầu và thời gian rút về vị trí quy định sau trận đánh.
Tháng 4-1969, Tiểu đoàn đặc công Thủ Dầu Một được Bộ Chỉ huy Phân khu 1 giao nhiệm vụ tấn công cầu, mở màn đợt hoạt động xuân - hè 1969 của phân khu. Sau 1 tháng bám mục tiêu theo dõi quy luật hoạt động của địch, chế độ thủy văn của sông Sài Gòn, chỉ huy đơn vị tổ chức vận chuyển hơn 200kg thuốc nổ từ căn cứ về vị trí tập kết chiến đấu. Ngày 10-5-1969, cấp ủy Tiểu đoàn hoàn thành kế hoạch tấn công đánh sập cầu sắt Lái Thêu bằng lượng nổ lớn. Kế hoạch chiến đấu của ta là sử dụng 1 tổ đặc công nước gồm 5 đồng chí có kỹ thuật thả trôi mang vác thiết bị, vũ khí, bí mật mang 2 lượng nổ lớn cùng 4 kíp hóa học, 1 kíp điện, 200m dây điện và 1 máy điểm hỏa đến điểm tập kết. Sau đó, tổ thực hiện kỹ thuật đặc công tiếp cận cầu Lái Thiêu, đánh sập cầu, diệt địch bảo vệ cầu. Trong trường hợp bị lộ, từng tổ chủ động đánh địch bảo toàn lực lượng.
Ngày 7-5-1969, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. 17 giờ ngày 10-5-1969, đơn vị nhận lệnh bí mật cơ động về điểm tập kết bí mật, làm kỹ thuật kết trái nổ, chờ nước ròng bắt đầu thả trôi theo sông Sài Gòn. 18 giờ ngày 11-5-1969, chỉ huy trận đánh quyết định chỉ có 2 người được thả trôi mang theo mìn đánh sập cầu sắt Lái Thiêu. Lúc đó, đồng chí Khải, tổ trưởng xung phong và tổ viên thứ 2 là đồng chí Bích. 17 giờ ngày 11-5-1969, đồng chí Khải bơi trước mang theo 100kg thuốc nổ TNT và 4 kíp hóa học. Đồng chí Bích bơi sau mang theo 195kg TNT và 200m dây điện cùng hộp điểm hỏa. Khi tổ chiến đấu đến đầu rạch Ràm Châu, gặp tàu tuần tiễu của địch, ta bình tĩnh kìm bè vào sát bờ lặn thở bằng ống, chờ tàu địch đi qua mới tiếp tục thả trôi.
Lúc 24 giờ ngày 11-5, tổ chiến đấu đến bờ thượng du cách cầu 500m. Thấy đèn sáng, lính gác đi lại trên cầu, tổ viên Bích không thể đưa khối thuốc nổ vào chân cầu. Lúc này nước sông chuẩn bị lên, không để lỡ thời cơ, tổ trưởng Khải yêu cầu đồng chí Bích cùng anh cột 2 khối thuốc nổ vào làm một và chỉ mình đồng chí Khải đẩy thuốc nổ vào chân cầu. Bằng kỹ thuật điêu luyện, đồng chí Khải vừa lặn thở bằng ống, vừa cầm dây chỉnh cho khối thuốc nổ trói vào mô cầu. Khi tiến gần sát trụ cầu nước chảy xiết, bè thuốc nổ dạt vào dây kẽm gai địch giăng bảo vệ chân cầu. Đồng chí Khải phải lần gỡ hơn 20 phút để đưa khối thuốc nổ vào áp trụ cầu. Đang loay hoay với khối thuốc nổ thì anh nghe tiếng lính trên cầu hét lên, sau đó hàng loạt đạn AR15 và nhiều trái lựu đạn ném xuống sông. Trong hoàn cảnh rất nguy hiểm, đồng chí Khải vẫn chiến đấu ngoan cường. Nhờ kỹ thuật đặc công thành thạo nên đồng chí Khải đã hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí đã đánh sập một nhịp cầu xuống sông. Một trụ cầu bị phá hủy, 1 tiểu đội địch tuần tra trên cầu bị thương vong. Lực lượng tham gia trận đánh của ta an toàn, hai đồng chí rút êm về căn cứ.
Ông Phan Văn Dương, nguyên Chính trị viên Thị đội Thuận An cho rằng, với trận đánh này, Tiểu đoàn đặc công đã hoàn thành tốt yêu cầu của trên đề ra; đánh sập cầu đúng ngày N để mở đầu đợt hoạt động quân sự của Phân khu 1 trong đợt xuân - hè 1969, làm tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo.
Ngày nay, dù cầu Phú Long mới đã được xây dựng khang trang, tạo thuận lợi kết nối giao thông giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh nhưng cầu sắt Lái Thiêu vẫn tồn tại như một minh chứng cho giai đoạn cam go, ác liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (còn tiếp)
THU THẢO