Gần đây, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã vào cuộc giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi heo. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề, rất cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía.
Siêu thị, chợ “neo” giá thịt heo
Hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg. Theo tính toán của những người chăn nuôi heo trong tỉnh, để có 1kg heo hơi họ phải tốn 4kg thức ăn chăn nuôi (với giá bình quân hiện nay là 90.000 đồng/kg). Như vậy, người chăn nuôi đang thua lỗ từ 6.000 - 16.000 đồng/kg heo hơi xuất chuồng.
Khách hàng mua thịt heo tại chợ Thủ Dầu Một. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Điều đáng nói, tuy giá heo hơi đã giảm thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng giá thịt heo bán lẻ tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn hầu hết không giảm. Riêng tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), hiện giá thịt heo chỉ giảm nhẹ 5.000 đồng/kg so với tháng trước; hiện thịt heo thăn lưng có giá 75.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 125.000 đồng/kg, sườn non 135.000 đồng/kg, nạc đùi, nạc dăm 80.000 đồng/kg...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 10-2016, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt gần 550.000 con. Hiện heo tồn đọng trong chuồng tại các điểm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có trọng lượng từ 70kg - 125kg; ước lượng heo đến thời điểm xuất chuồng khoảng 234.230 con. |
Tại cửa hàng thuộc hệ thống Vissan trên đường Thích Quảng Đức, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một đang niêm yết giá 8 mặt hàng thịt heo, áp dụng từ 27-4; giá nạc dăm, vai, đùi 87.500 đồng/kg, ba rọi 82.000 đồng/kg, sườn già 72.500 đồng/kg. Tại Siêu thị Big C Bình Dương, thịt thăn lưng giá 85.000 đồng/kg, còn sườn non, ba rọi rút sườn không được siêu thị niêm yết giá cụ thể; giá một số loại thịt heo niêm yết thấp hơn chút ít so với tháng trước. Tại Metro Bình Dương, thịt vai giá 80.900 đồng/kg, nạc đùi, nạc dăm 106.000 đồng/kg, sườn non 125.000 đồng/kg...
Người chăn nuôi gánh quá nhiều phí
Ông Dương Văn Phần, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi chi nhánh Bình Dương cho biết, 2 tháng qua các điểm bán sỉ, lẻ thịt heo ở các chợ đã được công ty giảm giá bỏ sỉ xuống khoảng 50%, còn 23.000 - 25.000 đồng/ kg; thậm chí heo quá lứa xuất chuồng giá bán chỉ 16.000 đồng/ kg. Gần đây, công ty tiếp tục thí điểm 3 quầy thịt kinh doanh heo sạch với giá hợp lý nhằm kích cầu tiêu thụ nhưng một quầy bị đốt phá.
Theo ông Chung Kim, chủ trang trại heo Kim Long (huyện Bàu Bàng), người chăn nuôi nhỏ lẻ đang phải chịu quá nhiều chi phí trung gian, như các đại lý thức ăn chăn nuôi, thú y, thương lái; trong khi đó ngành chăn nuôi heo lại đang phải gánh quá nhiều chi phí bất hợp lý. Chính không có sự kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng nên việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái. Do đó, người chăn nuôi thường bị thương lái ép giá, thao túng thị trường để thu lợi nhuận rất lớn. Còn ông Nguyễn Phi Long, chủ trang trại Long Vân (huyện Phú Giáo) thì nói, hiện nay đầu vào nguồn thức ăn chăn nuôi chiếm đến 70% chi phí chăn nuôi; trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên người chăn nuôi phải gồng mình chịu lỗ. Ngành chức năng cần rà soát lại giá thành thức ăn chăn nuôi heo, thuốc thú y và có giải pháp bình ổn giá các mặt hàng giúp người nông dân bớt khó khăn.
Để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi heo, ông Phạm Văn Tạo, chủ trang trại ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng cho rằng, siêu thị cần hỗ trợ nông dân bán hàng không thu thuế trên thịt heo, đồng thời giảm một phần lợi nhuận để giúp cho nông dân tiêu thụ nhanh thịt heo. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Bình Dương cho hay, dù siêu thị đã giảm giá khuyến mại 10% đối với thịt heo nhưng sức tiêu thụ tăng không đáng kể. Sức mua thịt heo tại siêu thị chỉ tăng thêm vài phần trăm, hàng nhập về kho hiện tiêu thụ rất chậm.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá heo hơi giảm sâu hiện nay, ông Nguyễn Duy Huân, chủ cơ sở kinh doanh heo hơi Trần Thị Trà Mi ở huyện Dầu Tiếng cho rằng, việc xuất khẩu thịt heo đường tiểu ngạch qua Campuchia, Trung Quốc khiến cho nông dân trong nước luôn rơi vào thế bị động. Buôn bán theo đường tiểu ngạch nhiều người cứ nghĩ tiện lợi nhưng rất nguy hại, vì nó không gắn với cam kết nào và thương lái nước nhập khẩu sẽ chọn mua heo được chào bán giá rẻ. Nếu siết chặt nguồn cung tại các lò giết mổ heo, không cho mổ nhiều thì lượng heo vừa đủ cung cấp cho thị turờng, giá heo trong nước sẽ bình ổn. Bên cạnh đó, khi chỉ có một đầu mối thu mua heo xuất khẩu, chắc chắn giá thu mua heo sẽ cao hơn.
Một khó khăn nữa được ông Lại Văn Tài, chủ trang trại heo ở ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ, hiện tại giá thức ăn chăn nuôi heo trong nước cao so với Thái Lan gần 30%. Như vậy người nông dân trong nước đang thua lỗ trước mắt 30% chi phí.
Cần tổ chức lại ngành chăn nuôi
Để giải quyết những khó khăn của ngành chăn nuôi heo trong nước hiện nay, ông Chung Kim cho rằng các siêu thị cần phát huy vai trò bình ổn, dẫn dắt thị trường bằng cách giảm giá để kích cầu tiêu thụ, từ đó tác động lại thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh cần tổ chức lại ngành chăn nuôi, nắm và điều phối kế hoạch chăn nuôi; quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng đầu mối tiêu thụ thịt heo trên thị trường; đồng thời nuôi dưỡng vùng nguyên liệu heo từ trong dân để có đối trọng cung ứng nguồn thịt heo. Ông Phần thì đề xuất, ngành chức năng cần có giải pháp mạnh để tiểu thương tại các chợ lẻ, chợ đầu mối giảm giá bán lẻ giúp người tiêu dùng mua thịt heo với giá rẻ và kích cầu.
Xung quanh giải pháp cung ứng nguồn thịt heo, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nói, nguyên nhân giá heo hơi trong nước sụt giảm mạnh thời gian gần đây là do nguồn cung quá cao, thêm vào đó tỷ lệ heo quá lứa cao trong khi nhu cầu thị trường không tăng; chưa kể thịt heo cũng đang được nhập khẩu. Trước mắt, tỉnh cần tính toán lại nhu cầu tiêu thụ nội bộ, tìm nguồn giải phóng nguồn thịt heo tại chỗ; còn về lâu dài cần giảm đàn heo.
Ông Long nhìn nhận, do giá heo hơi giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ nên nhiều người đang bán đổ, bán tháo. Điều này có thể dẫn đến chu kỳ sau thị trường sẽ khan hiếm, giá heo sẽ lại biến động. Nếu không có các giải pháp căn cơ từ vĩ mô đến vi mô, cụ thể như cân đối cung cầu, kiểm soát tốt chi phí, giá cả, lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh phục vụ ngành chăn nuôi heo... thì vòng tròn luẩn quẩn rủi ro sẽ lại tái diễn.
Ngoài những đề xuất, kiến nghị nói trên, nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng đề nghị cần tăng cường mở các điểm bán thịt heo với giá rẻ tại các chợ; tạo điều kiện về mặt bằng kinh doanh cho các sạp thịt heo sạch, giết mổ heo. Đối với Ban quản lý các chợ, cần yêu cầu tiểu thương giảm giá bán; với lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Có vậy, ngành chăn nuôi heo trong nước cũng như trong tỉnh mới mong sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.
“Trong thời điểm ngành chăn nuôi gặp khó khăn hiện nay, chúng tôi chấp nhận thua lỗ để người tiêu dùng được mua thịt heo với giá rẻ, chứ không chấp nhận cho khâu trung gian hưởng lợi quá cao”.
(Chủ trang trại Long Vân, huyện Phú Giáo)
TRÚC HUỲNH