Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các cấp, các ngành và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng sự chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp, hạ tầng giao thông vùng nông thôn trong huyện được đầu tư, phát triển khá đồng bộ, góp phần tạo điều kiện để kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển.
Nhựa hóa, cứng hóa các tuyến đường
Xác định hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) chính là điều kiện cơ bản, là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nên ngay từ những năm đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bàu Bàng đã xây dựng kế hoạch về phát triển các tuyến đường GTNT trên địa bàn. Từ đó, huyện đã thực hiện cứng hóa các tuyến đường GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
GTNT phát triển đồng bộ đã góp phần để kinh tế huyện nhà phát triển. Trong ảnh: Tuyến đường GTNT kiểu mẫu được nhựa hóa, trồng hoa ven hai bên đường ở xã Lai Hưng. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Trong giai đoạn 2014-2019, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay cùng Nhà nước thực hiện kế hoạch này, huyện đã cứng hóa được 418km đường. Đến nay, hệ thống đường huyện dài 73km, đường trục xã đã bê tông xi măng, bê tông nhựa nóng 26 tuyến, dài 158km; đường trục ấp, ngõ xóm đều được bê tông hóa, cứng hóa, bảo đảm xe cơ giới đi lại thuận tiện.
Ghi nhận cho thấy, ngay từ những thời gian đầu thực hiện xây dựng NTM, đường giao thông mở đến đâu bộ mặt nông thôn trong huyện đổi thay đến đó. Phong trào làm đường GTNT trên địa bàn rất thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân. Ông Nguyễn Xuân Lê (ngụ khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên), chia sẻ qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở địa phương có nhiều khởi sắc. Huyện đã đầu tư nhiều công trình, dự án phúc lợi như điện, đường, trường, trạm…
“Hiện nay, những con đường đất đỏ, sình lầy trên địa bàn đã được trải nhựa, đổ bê tông sạch đẹp; nhiều ngôi trường được xây mới khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em ở địa phương; Trạm Y tế xã, nhà văn hóa, chợ nông thôn… được đầu tư mới khang trang, hiệu quả. Tất cả đều nhằm phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của người dân ở nông thôn”, ông Lê nói.
Hiện nay, đến huyện Bàu Bàng mọi người dễ nhận thấy sự thay đổi rõ nét về hệ thống GTNT nơi đây. Không chỉ cứng hóa đường giao thông, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện được phân bố tương đối hợp lý, từ hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường GTNT... tạo được sự liên kết, đồng thời nối với mạng giao thông các huyện và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, các tuyến đường, công trình huyết mạch đã được huyện kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo và mở mới. Các tuyến đường trên địa bàn đến nay cơ bản nối từ trung tâm xã đến huyện; các công trình cầu đường, đường nối với các xã được quan tâm đầu tư... đã góp phần kết nối về giao thông trên địa bàn. Kinh tế - xã hội của địa phương từ đó cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển, đời sống người dân được nâng lên rõ nét.
Đạt được kết quả nói trên, ngoài chủ trương, sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, huyện, 5 năm qua huyện còn nhận được sự ủng hộ và chung sức của nhân dân. Tại địa phương đã có nhiều gương điển hình trong hiến đất làm đường giao thông; nhiều người dân còn đóng góp tiền để làm đường giao thông.
Có thể thấy, phong trào hiến đất, góp công làm đường GTNT ở huyện đã thực sự trở thành một phong trào hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương.
Góp phần nâng cao đời sống người dân
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu, kết quả đã đạt được từ huyện Bến Cát trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bàu Bàng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo đúng định hướng và mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.
Trong những năm qua, huyện đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Qua chương trình, huyện đã huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng trên địa bàn được đầu tư xây dựng đồng bộ; nhiều mô hình sản xuất phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống ở nông thôn. Đến nay, tổng vốn thực hiện các công trình giao thông trên địa bàn là trên 904 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 258 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 136 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 163 tỷ đồng.
Có thể nói, hiệu quả đạt được trong xây dựng đường GTNT đã cho thấy sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, nhằm hướng đến xây dựng một diện mạo mới cho địa phương; đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Bởi với hệ thống GTNT được đầu tư hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong huyện. Bên cạnh đó, đường GTNT được xây dựng đồng bộ đã tạo điều kiện để các mô hình kinh tế trên địa bàn xuất hiện, phát triển; điều kiện học hành, vui chơi của con em, nhân dân cũng có nhiều thuận lợi.
Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, điểm nhấn trong xây dựng NTM ở huyện là tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở các xã. Để thực hiện nhiệm vụ này, trọng tâm phải triển khai hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị và phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; tăng diện tích cây màu, cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
THOẠI PHƯƠNG