Với mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại I, trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, tỉnh Bình Dương còn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông (VT). Đến nay hạ tầng VT đã bao phủ đến các địa phương trong tỉnh, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, cũng như từng bước hoàn thiện để phục vụ việc xây dựng thành phố thông minh của tỉnh trong tương lai.
Với cơ sở hạ tầng hiện đại và đội ngũ nhân lực có trình độ cao, VNTT tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Với quan điểm phát triển của Bình Dương, VT là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân; là công cụ quan trọng để hình thành xã hội thông tin, phục vụ tốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, cơ sở hạ tầng VT của tỉnh đã được xây dựng và phát triển nhanh, áp dụng công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ. ..
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong thời gian qua hoạt động VT đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, việc triển khai các dịch vụ như internet tốc độ cao, truyền hình IpTV… với chất lượng cao đã đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, thực hiện chính quyền điện tử, việc triển khai sử dụng internet trên hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng ngày càng được tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư. Kết quả đến nay ngành VT đã triển khai đấu nối cho 174 điểm từ sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã với tốc độ kết nối đạt 30Mbps. Qua đó đã đáp ứng tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời bảo đảm được công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành xuyên suốt, kịp thời.
Đáp ứng điều kiện thành phố thông minh
Việc áp dụng hệ thống mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things - IoT) đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai khi xây dựng thành phố thông minh. Do đó, khi triển khai IoT thì hạ tầng VT đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và truyền tải thông tin. Đối với tỉnh Bình Dương, hiện tại cơ sở hạ tầng VT đã phát triển và về cơ bản sẽ đáp ứng được việc triển khai IoT.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp VT tham gia xây dựng hạ tầng và cung cấp dịch vụ VT, như Viễn thông Bình Dương, Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)… Bên cạnh đó, hệ thống cáp quang trên địa bàn tỉnh đã thay thế hệ thống cáp đồng và được triển khai tới tận các xã. Toàn tỉnh còn có gần 1.930 vị trí cột ăng-ten thu phát sóng di động của Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile, Gmobile. Với kết quả này đã đáp ứng điều kiện cần thiết để phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Khiết, Phó Tổng Giám đốc VNTT, cho biết tính đến nay công ty đã xây dựng được cơ sở hạ tầng VT hiện đại, trong đó Trung tâm dữ liệu eDatacenter của VNTT là một trong 4 trung tâm dữ liệu lớn nhất của cả nước. Với việc tỉnh Bình Dương đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, công ty sẽ đáp ứng tốt những điều kiện về hạ tầng VT, chất lượng dịch vụ để triển khai các ứng dụng VT, công nghệ thông tin như VPN Bonding (mạng riêng ảo bảo mật cao), NOC-SOC (hệ thống bảo mật); các dịch vụ eDatacenter như Web hosting, Mail hosting, Cloud Backup… theo tiêu chuẩn quốc tế TIA-942/Tiger 3.
KHÁNH ĐĂNG