Hàng giảm giá: Lựa chọn kỹ trước khi mua

Cập nhật: 14-10-2014 | 09:07:35

Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng, siêu thị tung ra chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn các mặt hàng điện tử, quần áo, đồ gia dụng... để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khi mua hàng giá rẻ, người mua cần chú ý tới chất lượng, tính hữu dụng của sản phẩm.

 

Người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ sản phẩm giảm giá trước khi mua Ảnh: Đ.TUÂN

Nhiều chương trình giảm giá

Đi dọc các tuyến đường chính Yersin, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám… ở TP.Thủ Dầu Một dễ thấy nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại treo biển, băng rôn “giảm giá sốc”, “siêu khuyến mãi”, “tri ân khách hàng” “sale off”, “xả hàng”...; với mức giảm giá từ 20 - 50%, thậm chí có cửa hàng giảm tới 60 - 70%. Các mặt hàng giảm giá chủ yếu là quần áo, giày dép, điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng...

Cửa hàng quần áo cao cấp J.H ở Trung tâm thương mại Becamex đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, như: Giảm giá sản phẩm 50%; mua 4 sản phẩm cùng lúc giá từ 1,3 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng (ngày thường giá sản phẩm thấp nhất như áo thun từ 400.000 đến 500.000 đồng/ cái). Theo nhân viên của cửa hàng, mỗi quý công ty có 1 - 2 đợt giảm giá mạnh, thường vào thời gian giữa hoặc cuối quý. Ngoài ra, nhân các dịp lễ, tết công ty cũng thường có chương trình giảm giá từ 10 - 30%.

Ghi nhận tại chuỗi cửa hàng thời trang B.L trên đường Yersin cho thấy cửa hàng thường xuyên có chương trình giảm giá. Hiện cửa hàng treo biển giảm giá 50% nhằm thu hút người tiêu dùng, đồng thời giải quyết hàng tồn để chuẩn bị cho ra bộ sưu tập thời trang mới.

Không chỉ các mặt hàng quần áo, giày dép, những mặt hàng không liên quan tới tính “thời vụ” như đồng hồ, mỹ phẩm, đồ trang sức... cũng được nhiều cửa hàng giảm giá từ 10 - 20%. Đặc biệt, một số cửa hàng bán điện máy, điện thoại, máy tính… cũng thường xuyên tung ra các chương trình ưu đãi hay tặng kèm quà tặng “khủng” khi mua sản phẩm.

Bên cạnh cửa hàng thường xuyên giảm giá, các siêu thị lớn như Nguyễn Kim, Thế giới di động, Co.opMart, Big C... đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Nếu như trước đây, những đợt giảm giá thường chỉ diễn ra vào dịp cuối năm thì nay, nhiều thời điểm trong năm cũng có chương trình giảm giá từ 10 - 60%. Đại diện các siêu thị cho rằng ngoài việc giải phóng hàng tồn kho, giảm giá còn để hưởng ứng chủ trương kích cầu người tiêu dùng của Chính phủ. Tuy thế, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được bảo đảm.

Chọn kỹ trước khi mua

Tuy thực hiện các chương trình giảm giá nhưng có không ít cửa hàng vẫn không hút khách. Nhiều khách hàng cho biết có cửa hàng treo biển “sale off” nhưng chỉ giảm giá rất ít mặt hàng hoặc chỉ giảm giá mạnh ở những sản phẩm đã lỗi mốt, hàng hết số, mẫu mã xấu, không được nhiều người ưa chuộng. Một số mặt hàng sau khi giảm giá vẫn khá cao.

Chị Mùi (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những lần mua hàng giảm giá trước, mua nhiều mà sử dụng không được tốt, chủ nhật vừa rồi tôi dành cả buổi để tìm kiếm mua hàng giảm giá. Các cửa hàng treo biển giảm giá 50 - 60% hầu như không chọn được đồ phù hợp cho mình, mẫu mã chất liệu vải khó chấp nhận được. Tìm hiểu tôi thấy bên cạnh những cửa hàng giảm giá thật, không ít cửa hàng giảm giá ảo với “chiêu” tự nâng giá cao lên rồi lại hạ giá xuống để đánh lừa người tiêu dùng”. Còn chị Ngân (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một), cho hay chị vừa mua 1 chiếc đầm trên đường Yersin cách đây hơn 1 tuần với giá gần 700.000 đồng. Thấy cửa hàng “sale” 30% chị vào xem thử các mẫu váy khác, khi xem lại mẫu cũ đã giảm 30% nhưng giá vẫn còn đến 650.000 đồng.

Đối với các sản phẩm điện máy, theo nhân viên bán hàng tại một số cửa hàng ở TP.Thủ Dầu Một tiết lộ, các sản phẩm giảm giá thường là sản phẩm đời cũ. Khách hàng cần cẩn trọng với một số mặt hàng khuyến mãi “khủng”, vì thường những mặt hàng đó đã được cửa hàng trưng dụng qua như tivi, đầu đĩa, điện thoại…; sau đó cửa hàng bán lại với giá thấp dưới dạng khuyến mãi để thu hồi vốn. Các sản phẩm mới ít được giảm giá lớn. Nếu giảm giá thì chỉ từ 5 - 10% là cao; thông thường chỉ tặng kèm hiện vật, hay khuyến mãi vận chuyển, lắp ráp.

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhiều cửa hàng, siêu thị chấp nhận chia sẻ một phần lợi nhuận của mình để hạ giá thành sản phẩm, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với những sản phẩm chất lượng, giá thành tốt. Qua đó, nâng cao uy tín, phát triển thương hiệu trên thị trường của doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn dựa vào sự thông thái của người tiêu dùng trước những sản phẩm khuyến mãi. Từ đó, người tiêu dùng không chỉ tiết kiệm được chi phí, còn chọn ra được những sản phẩm ưng ý.

 

 ĐỖ TUÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên