Bên cạnh triển khai kế hoạch tăng nguồn cung hàng hóa từ 10 - 30%, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới từ các siêu thị, trung tâm thương mại, các tiểu thương tại chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị nguồn hàng tết với số lượng lớn.
Hàng hóa bắt đầu tăng mạnh
Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 105 chợ, 11 siêu thị và 7 trung tâm thương mại (TTTM); doanh số bán lẻ của siêu thị, TTTM là 3,3%, của loại hình chợ chiếm trên 25,5% doanh thu thương mại của tỉnh. Như vậy, kênh phân phối chiếm tỷ lệ lớn lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng vẫn là chợ truyền thống. Tại thời điểm này, tiểu thương tại các chợ truyền thống đã hoàn thành đơn đặt hàng với các đơn vị cung cấp thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.
Lượng hàng hóa phục vụ tết đang tấp nập về các chợ trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Khách hàng mua bánh, kẹo tại chợ Thủ Dầu Một. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Chị Sang, tiểu thương quầy thực phẩm chế biến sẵn tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, rất khó đánh giá được sức mua năm nay, bởi đối với ngành thực phẩm chế biến sẵn trong năm qua sức mua khá thấp. Tuy nhiên, đến dịp tết sức mua cũng tăng lên. Vì vậy, chị đã chuẩn bị xong đơn đặt hàng với các công ty thực phẩm nên không lo thiếu hàng. Đối với mặt hàng bánh, kẹo, mứt, quà biếu tết, chủ một cửa hàng bánh kẹo tại vòng xoay chợ Lái Thiêu (TX.Thuận An) cho biết, hầu hết các mặt hàng phục vụ tết như kẹo, mứt, nước giải khát, khô đặc sản... cũng đã được cửa hàng đưa về phục vụ khách hàng từ nay cho đến tết.
Theo ghi nhận, hàng hóa phục vụ tết đã được các chợ, tiểu thương trên địa bàn tỉnh bắt đầu nhập về. Hàng tết năm nay phong phú, có nhiều mẫu mã đẹp. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Lái Thiêu cho biết, sản lượng hàng hóa gồm các loại bánh, mứt, hàng nông sản, rau, củ, quả... nhập về chợ hiện đã tăng từ 20 tấn/ngày lên 50 tấn/ngày so với ngày thường. Tới đây, vào các ngày cận tết (từ 26 đến 29 tháng chạp) sản lượng thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, hàng nông sản sẽ tăng gấp đôi con số này. Riêng mặt hàng thịt heo, trái cây có thể tăng gấp 3 lần ngày thường.
Không để “sốt” giá cục bộ
Tại thời điểm này, ngoại trừ một số mặt hàng rau tươi, cải xanh giá tăng 2.000 đồng/kg, còn lại hầu hết các loại thực phẩm giá vẫn ổn định. Tuy vậy, người tiêu dùng cũng tỏ ra lo lắng dịp giáp tết giá cả hàng hóa sẽ tăng cao, tình trạng găm hàng, “cháy” hàng ảo… lại xảy ra. Theo ngành chức năng, người dân, nhất là người có thu nhập thấp thường sắm tết muộn (từ sau 27 tháng chạp). Nhằm tránh tình trạng giá tăng vào những ngày cao điểm, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn sẽ thực hiện khuyến mại, giảm giá. Bên cạnh đó, cùng với kênh phân phối được phủ rộng trên địa bàn tỉnh, trong đó có các cửa hàng tiện lợi và những chuyến bán hàng lưu động về địa bàn vùng nông thôn của tỉnh, tiểu thương kinh doanh tại các chợ tự do cũng sẽ phải cân nhắc khi quyết định tăng giá. Sở Công thương còn phối hợp với các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá có kế hoạch đưa hàng về các địa phương đầy đủ, không để thiếu hàng cục bộ tạo cớ cho tiểu thương tăng giá.
Theo UBND tỉnh, năm 2015 là năm điều hành giá khá hiệu quả của Chính phủ khi chỉ số giá tiêu dùng cả nước chỉ tăng 0,6% so với năm 2014; lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,05% so với năm 2014. Tại Bình Dương, việc thực hiện các chương trình bình ổn, kiểm soát thị trường đã góp phần kiềm chế lạm phát, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá tăng đột biến. Nhờ đó, chỉ số giá tiêu dùng cả năm của tỉnh chỉ tăng 1,15%; trong đó giá hàng hóa tăng 0,59%, giá dịch vụ tăng 1,33%...
Như vậy, với lượng hàng hóa được chuẩn bị chu đáo từ tiểu thương cho đến doanh nghiệp bán lẻ, các chuyên gia cho rằng, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân tới đây người dân sẽ không lo thiếu hàng, giá tăng cao.
TRÚC HUỲNH