Bàn tay khéo léo kết hợp với công nghệ đã giúp sản phẩm dệt may của Việt Nam đứng top đầu thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Con đường vươn lên Top 3 các nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới của Việt Nam có dấu ấn rõ nét của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), khi xuất khẩu chiếm đến 95% năng lực sản xuất toàn ngành.
Thực tế, các FTA mà Việt Nam ký kết với các đối tác hàng đầu thế giới đã mở ra cơ hội tiếp cận thị trường khi mà các rào cản thương mại về thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ, tạo ra đòn bẩy giúp ngành dệt may Việt Nam vươn lên mạnh mẽ.
Trước thềm năm mới 2020, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có một số chia sẻ về những bước tiến của ngành dệt may Việt Nam trên bản đồ may mặc của thế giới.
Một năm “sóng gió”
- Xin ông cho biết những dấu ấn đặc biệt của ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2019?
Ông Cao Hữu Hiếu: Năm 2019 là năm khá “sóng gió” với ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng 7,22% so với 2018.
Dù tăng trưởng nhưng có thể thấy tốc độ đã chậm hơn so với mức tăng 2 con số của những năm trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này là do những hệ lụy từ Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến ngành sợi gặp khá nhiều khó khăn, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp phải gồng mình chịu lỗ khi đơn hàng xuất khẩu bị ép giá thấp, không có nhiều đơn hàng dài hạn đặt trước 3-6 tháng như trước đây, gần như tháng nào biết tháng đó.
Năm 2019 cũng là quãng thời gian cho thấy làn sóng FDI, nhất là từ Trung Quốc đổ về Việt Nam ngày càng tăng. Tại Trung Quốc, giá nhân công tăng cao cộng với tình hình chiến tranh thương mại với Mỹ căng thẳng đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam.
Về các FTA thì 2009 cũng là một năm ghi dấu nhiều hiệp định thương mại tự do thực sự có hiệu lực như EVFTA và CPTPP.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
- Nhìn lại 2019 cho thấy, những tín hiệu từ đầu năm khả quan nhưng sau đó lại biến động ngược lại và càng khó khăn hơn trong những chặng đường cuối, vậy theo ông đâu là lợi thế để ngành dệt may vẫn giữ đà tăng trưởng?
Ông Cao Hữu Hiếu: Dù gặp nhiều thách thức nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đã rất cố gắng để vượt qua.
Đơn cử các doanh nghiệp sợi đã cố gắng để đa dạng hóa thị trường, giảm tồn kho sợi, tìm hướng sản xuất đầu tư mới nhằm chuyên biệt hóa sản phẩm...
Các doanh nghiệp may tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường mới, cân nhắc nhận thêm các đơn hàng mới và bắt tay vào làm các sản phẩm mang giá trị thặng dư cao hơn, mở rộng thị trường nội địa để đỡ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu... Những nỗ lực đó cũng giúp giảm thiểu nhiều nhất các khó khăn thị trường.
Khó khăn chung của ngành là khó khăn do tình hình chính trị, kinh tế thế giới tác động chung tất cả ngành dệt may toàn cầu, các đối thủ cạnh tranh cũng gặp phải các vấn đề khó khăn tương tự. Việt Nam thậm chí còn đứng đầu trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở trên thị trường Mỹ và nhìn chung tác động của Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam còn nhẹ nhàng hơn nhiều với các đối thủ cạnh tranh khác.
- Trước những khó khăn mà ngành gặp phải, nhiều ý kiến cho rằng các hiệp định nhưEVFTA và CPTPP chưa tạo ra cú hích mạnh mẽ cho dệt may trong nước, vậy ý kiến của ông như thế nào?
Ông Cao Hữu Hiếu: Thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua xuất khẩu đi các thị trường trong 2 hiệp định CPTPP và EVFTA có sự thay đổi theo hướng tích cực.
Theo dõi sát số liệu thị trường cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU, hay đi các nước CPTPP đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trước khi có Hiệp định.
Đơn cử với thị trường Canada, nếu như trước đây kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam chỉ rơi vào khoảng 935,2 triệu USD năm 2018 thì năm 2019 ước khoảng 1,15 tỷ USD, tăng trưởng 23,2%. Đây là mức tăng khá tốt trong khi trước 2018 mức tăng trưởng chỉ vào khoảng 10-13%.
Chúng tôi kỳ vọng rằng dần dần các doanh nghiệp sẽ nhận ra tiềm năng của các thị trường này, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy các Hiệp định là cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu. Khi đó, dệt may Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư, nhất là vào những mắt xích còn yếu.
Lúc đó chúng ta sẽ dần xây dựng được một hệ sinh thái dệt may, dần tự chủ được nguyên phụ liệu đầu vào. Và, khi ấy mới thực sự khẳng định Việt Nam hưởng lợi được từ những Hiệp định này.
Thêm vào đó, muốn được hưởng các ưu đãi về thuế của bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào thì nhà xuất khẩu cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ, với EVFTA từ vải trở đi và CPTPP là từ sợi trở đi, do đó điều kiện cần và đủ là xây dựng được một chuỗi cung hoàn chỉnh.
Phải tìm cách tận dụng triệt để FTA
- Hiện nay, Việt Nam đã tham gia các thị trường khó tính nhất, với một doanh nghiệp tiên phong và đầu ngành, theo ông các doanh nghiệp dệt may có thể làm gì để biến các cơ hội đó thành lợi thế và đạt được các kết quả cao nhất khi tận dụng các ưu thế từ các FTA mang lại?
Ông Cao Hữu Hiếu: Như đã đề cập, các hiệp định FTA có yêu cầu về xuất xứ. Tôi nhấn mạnh lại là để khai thác hết các hiệp định mang lại trước tiên các doanh nghiệp cần hiểu rõ về hiệp định, hiểu rõ các loại sản phẩm của mình xuất đi các nước trong Hiệp định sẽ được miễn thuế nếu thỏa mãn các yêu cầu gì (không chỉ về mặt thuế quan mà còn về mặt thủ tục, lưu trữ, kiểm tra giấy tờ thông quan, chứng mình quy tắc xuất xứ…).
Khi đã hiểu rõ, doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với khách hàng để tìm ra các phương án tối ưu nhằm khai thác các hiệp định. Ví dụ như tìm phương án để cung ứng sản phẩm sử dụng vải trong danh sách nguồn cung thiếu hụt chẳng hạn.
Hoặc về lâu dài, doanh nghiệp cần có chiến lược hợp tác để cùng mở rộng đầu tư sản xuất nhằm thỏa mãn xuất xứ. Chỉ có liên kết chuỗi với nhau các doanh nghiệp mới cùng thành công.
- Thủ tướng Chính phủ đã nêu vấn đề về nguyên phụ liệu và nâng cao giá trị xuất khẩu đối với ngành dệt may Việt Nam, vậy để thực hiện được bước tiến trong việc duy trì vị thế top đầu trên thế giới từ góc độ doanh nghiệp theo ông chúng ta nên tháo gỡ những nút thắt nào?
Ông Cao Hữu Hiếu: Nút thắt trong ngành dệt may Việt Nam vẫn là nút thắt ở khâu dệt vải hoàn tất. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có nhiều khu công nghiệp tập trung để huy động được hết các nguồn lực sẵn có cũng như chưa thu hút được các tiềm lực tiềm năng.
Có tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI chỉ vào Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi chính sách và nhân công giá rẻ, sản phẩm làm ra lại quay ngược trở lại nước đầu tư hoặc tiêu dùng trong chuỗi nội bộ chứ không bán ra cho doanh nghiệp nội địa. Như thế từ góc độ của ngành có thể chúng ta có cải thiện chứ về góc độ lợi ích với các doanh nghiệp nội địa là chưa thấy rõ.
Do đó tôi nghĩ chúng ta nên tháo gỡ các nút thắt về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đạt được các thỏa thuận hai bên cùng có lợi nếu có hợp tác, đầu tư với các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó cũng cần mạnh dạn tập trung vào các công tác như R&D, đào tạo nguồn nhân lực để cải thiện hệ thống sản xuất, nâng cao năng suất theo kịp các tiến trình thay đổi trong chuỗi cung quốc tế, một khi lợi thế cạnh tranh giá rẻ của Việt Nam dần bị mất cho các đối thủ khác.
Thành tựu công nghệ trong lĩnh vực dệt may. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
- Một câu hỏi cũng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra đó là đến năm 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới… vậy với Vinatex đã có những bước đi cụ thể nào để hiện thực hóa các mục tiêu trên?
Ông Cao Hữu Hiếu: Về câu chuyện làm thương hiệu, hiện tại Vinatex đang tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu ở trong nước cho thật vững và thật tốt. Một số các doanh nghiệp như May 10 đã bắt đầu mang thương hiệu sơ mi ra nước ngoài, bán trên các trang như Amazon, hay phân phối trong các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ, Canada, EU.
Trong thời gian tới, Vinatex khuyến khích các doanh nghiệp đưa thương hiệu của mình vào hệ thống các siêu thị phân phối lớn, từng bước đưa thương hiệu của mình thâm nhập các thị trường này, chẳng hạn như một số doanh nghiệp may mặc của Vinatex đang nghiên cứu đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon, Walmart…. để từng bước xây dựng thương hiệu, trực tiếp phân phối đến người tiêu dùng nước ngoài.
Với mục tiêu về kim ngạch, Vinatex một mặt tiếp tục đẩy mạnh làm việc với khách hàng để mở rộng thị phần ở các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, mặt khác chúng tôi cũng thúc đẩy thâm nhập các thị trường mới mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do như Canada và Australia.
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngành là việc làm cấp thiết để trở nên cạnh tranh hơn so với các nước cung ứng khác. Do đó, chúng tôi rất chú trọng vào các công tác nâng cao năng suất bằng hướng áp dụng công nghệ tốt, hiện đại hơn, dần thay thế những máy móc thiết bị cũng không còn phù hợp, không ngừng tìm kiếm và học hỏi cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên sao cho phù hợp với tình hình mới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo TTXVN