Hãy cùng em chia sẻ lo toan, anh nhé!

Cập nhật: 08-03-2014 | 00:00:00

Anh hỏi em thích quà gì ngày 8-3 để anh chuẩn bị. Em cám ơn sự quan tâm của anh. Với em, có lẽ chỉ mấy bông hoa hồng là đủ. Một món quà nho nhỏ cho ngày này cũng là cần thiết nhưng em chưa nghĩ ra. Tuy nhiên, ý muốn được tặng quà đã bị lấn át bởi nhu cầu được tâm sự với anh lúc này. Đây là ngày phụ nữ quốc tế đấu tranh cho quyền bình đẳng nên em muốn được nói với anh, nói một cách bình đẳng những gì em mong muốn cho cả 364 ngày còn lại trong năm.

 Trong xã hội ta, người ta thường quan niệm ngôi nhà là của đàn ông, cái bếp là của phụ nữ. Nói vậy là chính xác vì tất cả mọi việc bếp núc đều là việc của người vợ. Em nhớ đã đọc được đâu đó câu nói rất ấn tượng của một phụ nữ người Mường: “Con gà dưới sân là con gà của phụ nữ, con gà trên mâm là gà của đàn ông”. Câu ví von rất hay nhưng phản ánh một thực trạng đau lòng: phụ nữ lam lũ làm lụng nhưng đàn ông là người được thụ hưởng. Sau giờ làm việc, phụ nữ thì tất tả đi đón con, ghé chợ mua rau mua cá, về nhà lo tắm con, nấu nướng, cho con ăn rồi dọn mâm sẵn chờ chồng về cùng ăn. Trong khi đó, ông chồng rời cơ quan là tới sân thể thao chơi vài séc bóng hoặc ghé quán nhậu với bạn nói chuyện trên trời dưới đất sương sương mới về. Ăn xong, ông chồng nằm khểnh xem ti vi, bà vợ tất bật dọn rửa mâm bát, giặt giũ, lau nhà đến khuya mới xong việc. Chuyện này là chuyện chung của mọi nhà nên nghe thì thấy quen thuộc tới mức chẳng nhận ra nghịch lý gì. Vợ chồng chúng mình cũng nằm trong số đó. Anh thì quá nhàn nhã trong khi em tất bật suốt ngày. Đó là chưa kể bao việc không tên khác trong một gia đình con mọn.

Em biết anh còn đỡ hơn nhiều ông chồng nghiện ngập, rảnh một chút là bày ra nhậu nhẹt với bạn. Nhậu xong chồng say bét nhè lăn ra ngủ, vợ vừa lo cho con vừa dọn dẹp. Những ông không nhậu tại nhà thì lai rai ở quán, vợ con khốn khổ thế nào mặc kệ.

Anh cũng còn tốt hơn nhiều ông chồng bồ bịch hay có phòng nhì. Chuyện này giờ không hiếm chút nào nên đến nay em vẫn mừng thầm, dù không biết ngày mai kịch bản của người có rơi trúng mình hay không. Anh cũng không ghen tuông vô lối kiểu nhìn đâu cũng thấy tình địch, áp bức vợ về tinh thần đến mỏi mệt, không muốn vợ giao lưu gì với bên ngoài xã hội. Anh càng không trọng bên nội, khinh bên ngoại khiến vợ chồng luôn trong tình trạng bất hòa.

Anh cũng chưa tệ như những ông chồng mở miệng là chửi vợ mắng con, coi vợ như nô lệ, không vừa ý điều gì là chẳng ngần ngại thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nhưng, chẳng thể nói trước được điều gì vì hầu hết các vụ án bạo lực gia đình, các bà vợ đều nói câu: “Trước kia anh ấy đâu phải vậy!”. Cái máu phong kiến có sẵn trong mình khiến cho người đàn ông chỉ sau một biến cố nào đó là thay đổi tức thì, trở nên hung dữ với người đầu gối tay ấp, cứ như quyền làm chồng cho phép họ được vậy.

Vậy nên bình đẳng vẫn chỉ là một mỹ từ trong mong ước, hoặc ở thì tương lai xa lắc nào đó. Kể cả các ông chồng cũng nói theo xã hội trong ngày 8-3 là mong cho vợ khỏe, vợ đẹp, vợ tiến bộ. Nhưng thử hỏi, thời gian và tiền bạc đâu để vợ chăm lo cho bản thân nếu mọi chuyện “vũ như cẩn”.

Em muốn nói với anh thật nhiều nhưng chỉ với một mong muốn: anh hãy chia sẻ cùng em tất cả những lo toan, để tình yêu luôn đẹp như hoa hồng.

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=338
Quay lên trên