Bài 21: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ban chuyên trách
Nhiệm kỳ 2011-2016, các ban của HĐND tỉnh đã tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Hoạt động của các ban ngày càng được cải tiến, đổi mới về tổ chức, phương thức và chất lượng ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Sâu sát với thực tế
Tại kỳ họp lần thứ I, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016 đươc tổ chức vào ngày 17- 6-2011 đã tiến hành bầu thành viên của các ban của HĐND tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh gồm có 3 ban: Ban Kinh tế - Ngân sách với 15 thành viên, Ban Văn hóa - Xã hội gồm 12 thành viên và Ban Pháp chế với 11 thành viên. Ông Huỳnh Thành Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: Hoạt động của các ban HĐND tỉnh ngày càng được đổi mới, khoa học và tính chuyên nghiệp được thể hiện rõ thông qua hoạt động giám sát, thẩm tra các báo cáo trình kỳ họp và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Ở từng ban đã thể hiện được sự nhạy bén, linh hoạt, luôn đổi mới phương thức hoạt động và sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của từng thành viên, đã giúp cho các ban khẳng định được vị trí, vai trò của mình và làm tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Căn cứ vào nghị quyết của HĐND tại mỗi kỳ họp và chương trình công tác của HĐND giữa hai kỳ họp, các ban đã chủ động xây dựng chương trình công tác, trong đó hoạt động giám sát, khảo sát được ưu tiên hàng đầu.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2011- 2016, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đã tổ chức được 34 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề đối với 139 cơ quan, đơn vị. Chuyên đề giám sát được ban nghiên cứu, lựa chọn vừa có tính bao quát trên các lĩnh vực, vừa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như: tài chính - ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch - xây dựng, công nghiệp - thương mại, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, doanh nghiệp...
Nội dung giám sát cũng tập trung vào những vấn đề lớn, sát với thực tế từng năm. Chẳng hạn năm 2011, ban đã giám sát việc thu - chi ngân sách, giảm vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ. Năm 2012, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tổ chức cá nhân. Năm 2013, ban giám sát chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và chương trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp...
Từ các chuyên đề giám sát được chọn, ban xây dựng đề cương cụ thể, xác định những nội dung cần quan tâm làm rõ; tập hợp, nghiên cứu các văn bản quy định của Trung ương và các chương trình, kế hoạch của tỉnh đã ban hành thuộc lĩnh vực giám sát. Để bảo đảm tính khách quan, trước khi tổ chức họp giám sát, ban chủ động đi thực tế để nắm tình hình, ghi nhận ý kiến ở cơ sở, nhất là những mặt còn khó khăn, hạn chế liên quan đến nội dung giám sát. Phương thức tiến hành khảo sát luôn đổi mới, phù hợp với từng nội dung như: chủ động thâm nhập một cách độc lập để phát hiện vấn đề từ thực tế hoặc phối hợp đơn vị chịu sự giám sát đi thực tế tại thực địa và làm việc với UBND cấp huyện, xã để nắm tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo phân cấp.
Kết quả khảo sát được báo cáo tại cuộc họp giám sát với những hình ảnh được ghi nhận từ thực tế để đoàn giám sát và đơn vị chịu sự giám sát cùng phân tích, làm rõ. Với cách đổi mới trong hoạt động giám sát đã giúp cho đoàn giám sát có những đánh giá, nhận định khách quan, sát thực tế, có tính phản biện cao. Qua giám sát, các ban góp ý, bổ sung thông tin cho các đơn vị được giám sát về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sau mỗi lần giám sát, các ban có báo cáo, có kiến nghị các giải pháp để thực hiện cho Thường trực HĐND, UBND và các ngành liên quan, các đơn vị được giám sát tiếp thu, giải quyết. Hoạt động này là bảo đảm hiệu lực hoạt động của HĐND, tránh hình thức.
Nâng cao chất lượng thẩm tra
Bên cạnh công tác giám sát, khảo sát thì việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND và các cơ quan chức năng là nhiệm vụ thường xuyên của ban HĐND. Thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp là chức năng đặc thù của các ban HĐND được pháp luật quy định theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền, nên hoạt động thẩm tra là một khâu quan trọng của công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ họp HĐND.
Công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết được Thường trực HĐND tỉnh điều hòa, phối hợp, phân công nhiệm vụ cho các ban HĐND tỉnh thẩm tra theo nội dung, lĩnh vực của từng ban, bảo đảm phù hợp, khoa học. Theo đó, các ban chủ động trong công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết ngay từ khi được UBND tỉnh mời tham dự các phiên họp thường kỳ để thảo luận, thống nhất các nội dung trình bày tại kỳ họp HĐND tỉnh. Lãnh đạo các ban HĐND tỉnh được tham dự hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của các ban về các nội dung có liên quan. Do đó, đã giúp các ban tiếp cận được thông tin sớm, chủ động thời gian xây dựng kế hoạch thẩm tra. Báo cáo thẩm tra của các ban nhìn chung đều bảo đảm đúng thời gian quy định, có chất lượng, tính phản biện cao, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, góp phần giúp cho đại biểu có cơ sở để thảo luận, quyết định tại kỳ họp.
Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra, các ban đã chủ động nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan, tiếp cận sớm với các cơ quan tham mưu của UBND tỉnh và tham dự đầy đủ các cuộc họp của UBND tỉnh, các sở, ngành để nắm vững nội dung. Từ đó, có cơ sở đưa ra các nhận định, đánh giá mang tính khoa học, bảo đảm tính pháp lý, khách quan, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tùy vào các nội dung thẩm tra, các ban chủ động tham mưu, cùng với Thường trực HĐND tỉnh đi khảo sát thực tế, nắm bắt thông tin, sử dụng bản đồ, hình ảnh vệ tinh thuyết minh tại cuộc họp thẩm tra... Qua đó giúp các thành viên ở các ban nắm rõ nội dung và vấn đề cần xem xét, cho ý kiến. Báo cáo thẩm tra của các ban là những ý kiến phản biện có tính khoa học và thực tiễn giúp UBND tỉnh và các ngành chức năng chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hiệu quả. Đồng thời là cơ sở quan trọng giúp đại biểu HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại các kỳ họp. Ngoài ra, qua công tác thẩm tra, các ban đã kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh không trình ra kỳ họp đối với một số nội dung chưa được chuẩn bị kỹ và những nội dung không thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Hoạt động của các ban trong nhiệm kỳ qua đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, luôn được quan tâm đổi mới một cách toàn diện trong cách thức hoạt động, đã góp phần nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu lực của các ban nói riêng và HĐND tỉnh nói chung.
Nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã tiến hành 31 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề với 195 lượt tại các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh. Qua đó đã đề xuất 178 nhóm giải pháp, kiến nghị đến Trung ương và UBND tỉnh. Nhiều giám sát chuyên đề đã mang lại những hiệu quả tích cực vào việc giải quyết những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh như: công tác tổ chức và hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã và đài truyền thanh xã; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; công tác đào tạo và dạy nghề...
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chưc được 33 đợt giám sát, khảo sát tại 108 cơ quan, đơn vị; ban hành 30 văn bản thông báo kết quả giám sát với 164 đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp, UBND và các cơ quan thuộc UBND cùng cấp.
THU THẢO