Bài 3: Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương
Phát huy tinh thần trách nhiệm, kế thừa những thành quả của các khóa trước, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Đánh giá đúng đắn thành tựu, nhận rõ những thiếu sót tồn tại, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cấp tỉnh.
Tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri
HĐND tỉnh Sông Bé khóa III được các cử tri trong tỉnh bầu ra vào tháng 4-1985 gồm 83 đại biểu trong bối cảnh Đảng bộ, quân và nhân dân toàn tỉnh hân hoan chào mừng kỷ niệm 10 năm giải phóng tỉnh. Bước sang giai đoạn mới, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tỉnh Sông Bé đã tiếp tục gặt hái được những thành tựu to lớn. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp nổi lên phong trào quần chúng đi vào chuyên canh và thâm canh cây trồng; vùng chuyên canh các loại cây trồng tiếp tục phát triển tốt; vùng kinh tế lâm nghiệp được tổ chức lại. Giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp liên tục tăng mới mức 18,35%/năm. Sản xuất gốm sứ, sơn mài, vật liệu xây dựng, mộc, mây tre, cao su được duy trì và phát triển, trở thành những ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật được tiếp tục quan tâm xây dựng, vừa góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh vừa tạo ra tiền đề để phát huy các thế mạnh kinh tế của tỉnh.
Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III. Ảnh: C.SƠN
Trong giai đoạn này, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp và công thương nghiệp được đẩy mạnh. Hầu hết các xã đều có hợp tác xã mua bán và nhiều xã đã xây dựng được hợp tác xã tín dụng. Tỉnh cũng đã tập trung nghiên cứu xây dựng phương án thống nhất quản lý ngành gốm sứ cũng như tổng kết kinh nghiệm hoạt động thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán nhằm góp phần tiến hành thắng lợi hai cuộc cải tạo đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp tại các địa phương của tỉnh. Song song với các hoạt động phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa, xã hội cũng thu được nhiều kết quả. Bước đầu tỉnh đã xây dựng được những mô hình văn hóa quần chúng ở một số cơ sở và triển khai cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới gắn với việc tiếp tục bài trừ văn hóa phẩm phản động đồi trụy và những phong tục lạc hậu trong nhân dân…
Trong kỳ họp lần thứ nhất, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh những mặt ưu điểm tiến bộ, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, nhược điểm. Trong đó đáng chú ý là tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của cuộc sống, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế và nguồn tài nguyên về lao động, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp chưa gắn liền với việc chỉ đạo thâm canh và xây dựng các vùng chuyên canh nên năng suất cây trồng, vật nuôi chưa phát triển mạnh, vững chắc. Việc xây dựng, phát triển các công trình văn hóa, xã hội chưa tương xứng với yêu cầu đang tiếp tục tăng nhanh. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa được quy hoạch, bố trí lại. Giá cả thị trường tiếp tục tăng khiến cho đời sống các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn.
Từ việc đánh giá khách quan những kết quả đạt được cùng những thuận lợi và khó khăn, đòi hỏi HĐND tỉnh Sông Bé khóa III phải xây dựng được quy chế, bảo đảm chế độ cho mỗi đại biểu HĐND thường xuyên tiếp xúc với cử tri nhằm tăng cường trách nhiệm, phản ánh đầy đủ tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân lao động, nhất là quần chúng ở các vùng căn cứ giải phóng cũ, đồng bào các dân tộc ít người, trong các nông, lâm trường, xí nghiệp… để giúp cho HĐND và UBND có những quyết định chính xác, chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm
Từ kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận để đưa ra giải pháp phấn đấu hoàn thành thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội năm 1985 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ 4. Từ những mục tiêu trên, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh sản xuất toàn diện theo hướng thâm canh, chuyên canh, từng bước ổn định cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi; tích cực sắp xếp lại công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, cao su, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, xây dựng cơ bản và giao thông vận tải nhằm bảo đảm hình thành từng bước các cụm kinh tế kỹ thuật; gắn nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp với lưu thông, phân phối trên từng địa bàn huyện, thị; đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp tư doanh, phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu cải tạo trong năm 1985; phấn đấu hoàn thành cải tạo vùng lúa, đậu, mía, thuốc lá tập trung…
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu hoàn thành cải tạo các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông - vận tải, xây dựng cơ bản… bằng các hình thức quốc doanh, công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; tiếp tục tạo ra sự chuyển biến cơ bản trên mặt trận phân phối lưu thông, vừa bảo đảm đầu tư, nắm chắc nguồn hàng tận gốc vừa sắp xếp, tăng cường quản lý trật tự mua bán và giá cả tại các chợ… Các nhiệm vụ tiếp theo là đi đôi với đẩy mạnh cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất là đồng bộ hóa khoa học, kỹ thuật và cuộc cách mạng về tư tưởng văn hóa; tập trung xây dựng cấp huyện gắn với kiện toàn cơ sở xã, ấp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh, huyện, coi đây là một trong những biện pháp trọng yếu nhằm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 1985; phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào quần chúng, nhất là thông qua quá trình tổng kết kinh tế…
CAO SƠN (tổng hợp)