Sau khi Báo Bình Dương có bài viết phản ánh về tình trạng “tín dụng đen” đang len lỏi vào các ngõ ngách, khu nhà trọ với đủ các chiêu trò nhằm đưa người vay “vào tròng” thì chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của bạn đọc về thực trạng này. Đáng chú ý là có nhiều người phải bỏ nhà đi trốn vì lỡ vướng vào “tín dụng đen”, trong số đó không ít người là “cò”, dẫn mối để được hưởng hoa hồng.
Khốn khổ vì “tín dụng đen”
Chỉ vì khó khăn về tài chính, một số người đã vay “bạc nóng” với lãi suất cao ngất. Khi con nợ không có tiền để trả tiền gốc và lãi, các chủ nợ dùng “luật riêng” đòi nợ. Trong những “mắt xích” của những đường dây cho vay “bạc nóng”, nhiều đối tượng đã bảo lãnh cho người khác vay để hưởng theo phần trăm lãi suất hàng tháng. Khi người vay không có điều kiện để trả, những cò tín dụng đen phải gồng mình trả tiền cho chủ nợ khiến cuộc sống gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Ông D. nhà ở KP3. Phường An Phú, TX.Thuận An đang lâm vào tình cảnh đứng ngồi không yên vì con trai của ông là L.V.N bỏ nhà trốn nợ. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, ông D. tiếp chuyện: “Vì thương con nên vợ chồng tôi phải khổ. Đầu năm 2017, con trai tôi đã vay nóng số tiền 40 triệu đồng, bạc 15 (bạc 15 nghĩa là nếu chủ nợ cho vay 10 triệu thì lãi suất 1,5 triệu đồng/ tháng - P.V) để chơi cá độ bóng đá. Thua cá độ, N. không có tiền trả vốn, lãi cho chủ nợ nên họ đã cho những người xăm trổ đem mã tấu đến nhà tìm N. đòi nợ. Lo sợ bị nhóm người này chém nên N. đã bỏ lại con thơ, vợ trẻ trốn khỏi địa phương gần một năm nay”.
Để có điều kiện trả lãi hàng tháng là 6 triệu đồng thay cho con, vợ chồng ông D. phải cật lực làm nhiều việc khác nhau để kiếm tiền trả nợ. Nói về việc trả nợ thay con trong thời gian tới, gạt nước mắt, ông D. nói: “Ngôi nhà cấp 4 này là của gia tộc để lại, nếu như tới đây không đủ tiền trả nợ cho con thì gia đình tôi cũng phải bán nhà. Chỉ có bán nhà trả nợ cho N. thì nó mới được về đoàn tụ cùng gia đình. Có lẽ trong tương lai gần chúng tôi sẽ thuê phòng trọ để ở. Hiện nay chúng tôi mong muốn ngành chức năng liên quan cần vào cuộc điều tra, triệt xóa những nhóm người tổ chức cho vay tín dụng đen đã gây ra nhiều hệ lụy”.
Tương tự, L.H.L (24 tuổi, quê Thanh Hóa), tạm trú trên địa bàn phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An vì lâm vào cảnh khổ mà bỏ nhà , đi trốn nợ. L. kể: “Giữa năm 2017, để có điều kiện hùn vốn cùng nhóm bạn tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp, tôi đã tìm đến những người cho vay “bạc nóng”. Thông qua người thân trong gia đình, tôi đã vay 20 triệu đồng, bạc 20. Thủ tục vay là tín chấp được viết bằng giấy tay. Lãi suất hàng tháng của 20 triệu đồng là 4 triệu đồng. Sau khi việc kinh doanh hàng đa cấp bị thất bại, tôi không có điều kiện để trả tiền gốc và lãi, chủ nợ nhờ “giang hồ” ở quê truy tìm tôi để đòi. Vì sợ bị bọn chúng hành hung, tôi đã bỏ nhà, bỏ quê để vào Bình Dương làm việc để gửi tiền về trả lãi hằng tháng qua số tài khoản của chủ nợ”.
Gánh nợ vì bảo lãnh vay tiền
Hiện nay trong giới cho “vay tín dụng” đen tồn tại những mắt xích đứng ra vay hộ cho người khác để được hưởng phần trăm tiền lãi hàng tháng. Tuy nhiên, khi con nợ không có điều kiện trả tiền gốc và lãi, những đối tượng được xem là mắt xích này phải trả tiền gốc lại cho người vay.
Chỉ vì muốn có thêm điều kiện nuôi vợ con từ việc giới thiệu người có nhu cầu vay cho một tổ chức cho vay bạc nóng để hưởng 20% tiền lãi ròng mỗi tháng, giữa năm 2017, N.T.A (quê Quảng Nam) đã đứng ra bảo lãnh cho những người vay bạc nóng. Tuy nhiên, khi người vay do mình giới thiệu “bể nợ” và biến mất, A. phải gồng mình trả tiền gốc cho chủ nợ khiến gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn. A. cho biết: “Trước đây tôi cứ nghĩ bảo lãnh cho người gặp khó khăn được vay bạc nóng là việc làm tốt và có thêm thu nhập trong cuộc sống. Nhưng khi con nợ bỏ chạy thì số tiền gốc tôi phải trả đã khiến gia đình, vợ con gặp nhiều khó khăn”.
A. kể vào tháng 6-2017, anh đã bảo lãnh cho người bạn quen biết ngoài xã hội vay nóng 20 triệu đồng, bạc 15 (lãi suất tiền gốc của 20 triệu là 3 triệu đồng/ tháng - P.V). “Trong lúc giao dịch vay tiền ngày hôm đó, tôi cam kết bằng miệng với người cho vay là nếu xảy ra chuyện rủi ro thì tôi là người chịu trách nhiệm. Thế nhưng, sau 5 tháng trả lãi, đến tháng thứ 6, người vay do tôi giới thiệu bỗng dưng biến mất. Do không thể liên lạc nên gia đình tôi phải cật lực trả tiền, khiến gia cảnh khó khăn. Để trả nợ, tôi đã thương lượng với ông chủ cho trả góp mỗi tháng. Có thể nói đây là bài học cho bản thân tôi và những người khác khi bảo lãnh cho người khác được vay bạc nóng”.
Tương tự, sau ngày ra trại, D.B.G (tạm trú trên địa bàn TX.Thuận An) cứ tưởng “đỡ đầu” cho “đàn em” được vay bạc nóng là việc làm có ích, ai ngờ! Chính những người mà G. cho là anh em tốt đã biến anh ta thành con nợ. D.B.G chia sẻ: “Sau ngày ra trại, tôi muốn làm người tử tế, sống có ích cho xã hội. Xuất phát từ ý nghĩ đó, vào đầu năm 2017, tôi đã bảo lãnh cho hai thằng em thân tín quê Nghệ An được vay nóng 40 triệu đồng để mở tiệm rửa xe máy trên đường ĐT743 theo yêu cầu và kế hoạch của tụi nó. Tuy nhiên, cứ tưởng sau ngày nhận được tiền vay, bọn chúng sẽ mua dụng cụ, sắm máy mở tiệm rửa xe để có thu nhập chính đáng, tự lo cho bản thân. Nhưng sau khi nhận được 40 triệu đồng vay nóng, bọn chúng đã âm thầm ôm tiền trốn khỏi nơi tạm trú và tắt điện thoại. Để chủ nợ không gây khó dễ, tôi đã đến gặp để khất nợ và trả góp theo hàng tháng”.
THANH QUANG