Hệ thống ngân hàng thương mại: Nỗ lực hỗ trợ khách hàng vượt khó

Cập nhật: 23-06-2021 | 08:43:43

Trong thời điểm cả nước đang căng sức đối phó với dịch bệnh, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường phòng, chống dịch bệnh, triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn.

 Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng vay vốn tại BIDV Bình Dương

 Nâng cao mức độ chống dịch

Thông tin chung từ lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các TCTD đã chủ động trong thanh khoản, nguồn vốn, tăng nguồn cung cho vay và nâng cao mức độ phòng, chống dịch bệnh tại toàn bộ hệ thống nhằm bảo đảm môi trường giao dịch an toàn. Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương đơn vị đã tăng cường tư vấn gián tiếp cho khách hàng có nhu cầu vay vốn, giải ngân nguồn vốn theo hợp đồng tín dụng, cam kết cung cấp đều đặn với mức lãi suất hợp lý nhất cho khách hàng, nhất là DN. Song song đó, hệ thống của BIDV cũng kích hoạt hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại trụ sở làm việc và toàn bộ khu vực giao dịch của ngân hàng. Toàn bộ khách hàng đến giao dịch tại BIDV Bình Dương đều được yêu cầu khai báo y tế, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách...

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Bình Dương, cho biết thời điểm này lượng khách đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng giảm hơn 1/2 so với bình thường. Ngân hàng kích hoạt chế độ chống dịch ở mức cao trước diễn biến phức tạp hơn hiện nay. “Hai nhiệm vụ trọng tâm của BIDV trong giai đoạn này là bảo đảm nguồn vốn và môi trường giao dịch an toàn cho mọi khách hàng. Trong đó, các phương án vận chuyển tiền, tiếp quỹ ATM, cách ly nếu cần thiết… cũng được BIDV lên sẵn nhiều kịch bản để hoàn toàn chủ động đối phó dịch bệnh”, ông Trần Ngọc Linh nói.

Qua trao đổi cho thấy, hệ thống các NHTM trên địa bàn tỉnh như Agribank, Vietcombank, Vietinbank, SHB, Sacombank... đều đẩy mạnh công tác truyền thông, chia sẻ rộng rãi hướng dẫn đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến đông đảo khách hàng và cộng đồng trên các kênh truyền thông của ngân hàng. Ngoài ra, các “nhà băng” còn tham gia chương trình miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc HDBank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết nhằm tạo điều kiện cho người dân, DN, các nhà hảo tâm đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 thuận tiện nhất, mới đây Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước chấp thuận cho HDBank là một trong những ngân hàng tiếp nhận các nguồn ủng hộ trong và ngoài nước. Theo đó, tất cả các giao dịch chuyển tiền đóng góp ủng hộ đều được HDBank miễn phí hoàn toàn.

Chung sức vì “mục tiêu kép”

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các NHTM như Agribank, Vietcombank, Vietinbank hay TPbank đều thực hiện truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chương trình hỗ trợ người dân, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các NHTM cũng triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng. Các đối tượng được hưởng ưu đãi là khách vay có hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu... bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ mà không áp dụng lãi phạt, xem xét giảm lãi hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không chuyển nhóm nợ với các nhóm khách hàng này; đồng thời tiếp tục xem xét cho vay thực hiện các phương án kinh doanh mới…

Ông Võ Văn Bửu, Giám đốc Ngân hàng Công thương (Vietinbank) - Chi nhánh các KCN Bình Dương, cho biết từ đầu mùa dịch 2021 đến nay, đơn vị luôn yêu cầu nhân viên chi nhánh, phòng giao dịch cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại đối với DN, người dân để hỗ trợ kịp thời. Theo đó, các chi nhánh, phòng giao dịch tập trung rà soát các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, kinh doanh dịch vụ lưu trú, xuất khẩu nông thủy sản, vận tải, hàng tiêu dùng, chủ động để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp, giảm lãi suất… “Đối với các DN khó khăn do dịch bệnh nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh mới, khả thi thì các chi nhánh Vietinbank tiếp tục xem xét cho vay mới. Các khách hàng bị ảnh hưởng dịch cũng được hưởng cơ chế lãi suất ưu đãi theo quy định, khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, có lịch sử tín dụng tốt được áp dụng mức lãi suất giảm tới 2%/ năm, các khách hàng khác được giảm 1%/năm”, ông Võ Văn Bửu nói.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, thời điểm này, lợi nhuận ngân hàng chỉ là mục tiêu thứ yếu. Ưu tiên hàng đầu của ngân hàng hiện nay là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đồng hành và phát triển bền vững. Nếu khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng cũng bị ảnh hưởng, nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng tăng theo. “Chính vì vậy, với mục tiêu kép vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế, hệ thống TCTD vẫn phải triệt để phòng, chống dịch bệnh để có thể góp sức cùng cả nước vượt qua khó khăn”, ông Võ Đình Phong nói.

 Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (không chuyển nợ quá hạn) đạt gần 3.688 tỷ đồng với 670 khách hàng. Ngoài ra, dư nợ được miễn giảm lãi vay gần 974 tỷ đồng với số lãi đã được miễn giảm 2,33 tỷ đồng cho 3.909 khách hàng. Đối với lĩnh vực cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn (lũy kế từ 23-1-2020) đạt gần 133.403 tỷ đồng với 14.307 khách hàng vay vốn.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2349
Quay lên trên