Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên Minh Châu Âu: Cơ hội giao thương rộng mở

Cập nhật: 09-06-2020 | 09:04:47

Sáng 8-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây được xem là cơ hội thúc đẩy thương mại hai chiều, là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) Việt Nam và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) mở rộng hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.

 Ngành giày da được cho là hưởng nhiều lợi thế khi EVFTA có hiệu lực

Cơ hội vươn xa

Thực thi Hiệp định EVFTA, con đường để Việt Nam tiếp cận với thị trường EU đã trở nên rộng mở hơn rất nhiều. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

EVFTA gồm 17 chương, 8 phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung. Hiệp định này điều chỉnh nhiều vấn đề, bao gồm thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS); các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh; DN Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.

Bên cạnh những thuận lợi, hiệp định có thể mang lại một số thách thức nhất định. Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Mặt khác, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật... Để thực hiện đầy đủ các quy định đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của Việt Nam. Điều này được đánh giá là phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả mua sắm công, đối mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đã và đang triển khai hết sức chủ động, khẩn trương. Các cam kết về lao động, trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại DN hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động… có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam.

Doanh nghiệp chờ đón

Tại Bình Dương, một tỉnh có trên 40.000 DN đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó, châu Âu là thị trường chủ lực. EVFTA được đánh giá là cơ hội rộng mở cho các DN địa phương, được cộng đồng DN chờ đón. Đặc biệt là 2 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh là dệt may và giày da. Dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định. Bên cạnh đó, hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU.

Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Giày Nam Bình Nguyễn Quang Vũ, cho biết khi EVFTA có hiệu lực, ngành da giày và túi xách sẽ được hưởng lợi nhiều do kim ngạch xuất khẩu của ngành vào EU hiện đang chiếm hơn 80%. Được hưởng lợi ngay là các DN lớn, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất cho các thương hiệu nổi tiếng ở thị trường EU. Các DN nhỏ chưa được hưởng lợi nhiều do chủ yếu gia công lại cho các đơn vị lớn. Một khi thuế quan giảm về 0%, chắc chắn các thương hiệu sẽ chuyển đơn hàng về Việt Nam nhiều hơn. Do đó, để nắm bắt cơ hội và mở rộng thị trường, đòi hỏi các DN phải thay đổi theo chuẩn mức đánh giá chung của họ. Môi trường và các chính sách cho người lao động phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của từng khách hàng với những yêu cầu riêng. Các DN trong nước có thể tranh thủ cơ hội khi làm việc với các đối tác nước ngoài có trình độ quản lý cao để học hỏi, cải thiện năng lực quản lý, đồng thời, thay đổi thiết bị và công nghệ theo xu hướng mới, bảo đảm sản lượng và chất lượng sản phẩm cao hơn.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định trong thời gian tới tỉnh giao ngành công thương đẩy mạnh tuyên truyền về quy định của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA để các DN nắm rõ điều khoản thực thi và tận dụng hiệu quả lợi thế từ hiệp định này.

EU với 508 triệu dân, tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên đến khoảng 18.000 tỷ USD thực sự là một thị trường đầy tiềm năng và không thể bỏ qua. Theo kết quả nghiên cứu của “Báo cáo Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết
Tags
EVFTA

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên