Thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội (CSXH), góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, Ngân hàng CSXH Bình Dương đã thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn mới.
Ngân hàng CSXH Bình Dương giải ngân vốn tại phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một)
Điểm tựa cho người nghèo
Chương trình cho vay tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, nhờ tiếp cận nguồn vốn này, hàng chục ngàn hộ gia đình đã vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định và nâng cao đời sống. Nguồn vốn này là điểm tựa vững chắc cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là động lực giúp cho nền kinh tế - xã hội tại địa phương ngày càng phát triển.
Gia đình chị Lê Thị Tuyết Nhung ở huyện Dầu Tiếng thuộc diện khó khăn. Năm 2022, chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp xét cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH với số tiền 50 triệu đồng để chăm sóc vườn cây cao su và chăn nuôi bò. Do làm ăn có hiệu quả, bước sang năm 2023, chị được Ngân hàng CSXH tiếp tục cho vay thêm 20 triệu đồng để xây dựng các công trình phụ. “Từ khi được Ngân hàng CSXH cho vay, gia đình tôi đầu tư vào đúng mục đích và hàng tháng trả bớt nợ cho ngân hàng. Nhờ nguồn vốn này, cuộc sống gia đình tôi nay đã dần ổn định. Tôi rất cảm ơn các cấp lãnh đạo, chính quyền đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn để vươn lên ổn định cuộc sống”, chị Lê Thị Tuyết Nhung tâm sự.
Hay như trường hợp của chị Nguyễn Phương Trúc ở TP.Tân Uyên. Năm 2020, chị làm công nhân với đồng lương ít ỏi lại phải lo cho hai con ăn học. Xét thấy hoàn cảnh của chị, Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố mạnh dạn xét duyệt cho chị vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH để trồng nấm. Với số tiền được vay, đến nay chị Trúc đã đầu tư vào 4 trại nấm với diện tích hơn 800m2. Nhờ chị Trúc học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng nấm có hiệu quả nên trại nấm của gia đình đã cho thu hoạch ổn định.“Tuy nguồn vốn hỗ trợ không nhiều, nhưng những lúc mình khó khăn thì rất đáng quý. Cũng nhờ có nguồn vốn này mà gia đình tôi mạnh dạn đầu tư vào trồng nấm, góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình để ổn định cuộc sống, có tiền lo cho con ăn học”, chị Nguyễn Phương Trúc bộc bạch.
Từ hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, Ngân hàng CSXH Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách để người dân nắm bắt, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi hơn nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống”. (Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng CSXH Bình Dương) |
Luôn đồng hành cùng người dân
Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH Bình Dương đã trở thành động lực quan trọng, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững; góp phần “phát huy tiềm năng, lợi thế, sự năng động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng, bền vững” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng CSXH Bình Dương, cho biết tổng doanh số cho vay của ngân hàng thời gian qua là 12.775 tỷ đồng, với hơn 460.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Tổng dư nợ đến ngày 31-3-2023 đạt 4.110 tỷ đồng, tăng 3.179 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, với gần 81.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng tập trung cho các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nhà ở xã hội; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Vốn tín dụng CSXH đã tác động tích cực đến đời sống vật chất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội, quốc phòng - an ninh, tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Ông Đức cho biết thêm, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao thông qua việc ngân hàng chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt hệ thống các giải pháp, như: Bảo đảm thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở; chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng từng xã, phường, thị trấn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân theo nguyên tắc có vay, có ưu đãi và có trả.
TƯỜNG VY