Hệ thống thu gôm, xử lý nước thải sinh hoạt khu vực TP.Thủ Dầu Một:

Hiệu quả từ công tác phối hợp tuyên truyền

Cập nhật: 25-08-2016 | 08:02:25

Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương do Chính phủ Nhật Bản tài trợ từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Giai đoạn I của dự án được triển khai trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một với diện tích 900 ha, bao gồm toàn bộ diện tích các phường Phú Cường, Phú Lợi, Chánh Nghĩa và một phần diện tích các phường Hiệp Thành, Phú Thọ và Phú Hòa. Nhờ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, người dân trên địa bàn đã thấy được lợi ích và yêu cầu thiết thực nên tích cực tham gia đấu nối với số lượng ngày càng tăng.

Phòng thí nghiệm kiểm tra mẫu nước thải trước và sau khi xử lý của Biwase Ảnh: DUY CHÍ 

Tuyên truyền tốt, hiệu quả cao

Ông Phan Lương Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cho biết, Phú Cường là phường trung tâm của thành phố, nơi tập trung dân cư, trung tâm thương mại, cơ quan, ban ngành… nên rất thuận lợi trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, nội dung của việc đấu nối nước thải sinh hoạt phù hợp với quá trình phát triển đô thị nói chung đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; theo đó xác định Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Trong đó, tiêu chuẩn của đô thị trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ nước thải sinh hoạt được đấu nối đạt 70% trên tổng số hộ dân toàn địa bàn. Kinh nghiệm của địa phương là tổ chức tuyên truyền, phổ biến trước trong cán bộ, đảng viên theo phương châm: “Cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước để làm gương cho quần chúng”.

Sau 2 năm phối hợp tuyên truyền, vận động người dân đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom chung để được hưởng chính sách ưu đãi, miễn thu phí xử lý của UBND tỉnh và được hỗ trợ một phần từ phía chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), đến nay đã có 3.366 hộ thực hiện đấu nối với khối lượng nước thải sinh hoạt bình quân từ 8.000 - 8.500m3/ngày đêm, đạt 50% công suất thiết kế. Các phường Hiệp Thành, Phú Hòa, Phú Lợi và Phú Cường có số lượng đấu nối cao nhờ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, giúp người dân thấy được lợi ích của việc đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom chung. Từ đó góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Giải quyết tốt bức xúc của người dân đô thị

Ông Lê Văn Gòn, Phó Tổng Giám đốc Biwase, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương cho biết, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh thường khiến việc tiêu thoát và thẩm thấu nước tự nhiên ngày một khó khăn. Có thể thấy, tại một số khu dân cư, khu nhà trọ trong đô thị trên địa bàn tỉnh, khi mưa lớn kéo dài nước mưa không thoát và chậm thấm xuống lòng đất gây ra ngập úng và làm tê liệt hệ thống biogas, hầm cầu, vừa mất vệ sinh vừa rất khó khăn trong sinh hoạt của người dân. Nhờ có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và sự phối hợp tuyên truyền tốt giữa các cấp, các ngành và địa phương, người dân đã hiểu và thấy được lợi ích của việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom chung.

Có thể hiểu, hệ thống đường ống thu gom nước thải sinh hoạt là một vòng khép kín khổng lồ gồm đường ống cấp I, cấp II và cấp III đấu nối trực tiếp từ hộ gia đình ra trục giao thông chính rồi cùng được thu gom đưa về nhà máy xử lý. Giai đoạn I, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một có công suất 17.650m3/ ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn cột A QCVN 40:2011/BTNMT. Công trình này được các chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế đánh giá là hiện đại và hiệu quả nhất Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một cho biết, thời gian qua, nhà máy thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức cho người dân đến tham quan để thấy được thực tế hoạt động bảo vệ môi trường tại đây. Có thể nói, nước thải sinh hoạt nếu không qua xử lý khi thải ra môi trường sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, suy giảm chất lượng nước mặt và nước ngầm, đồng thời tác động xấu đến quá trình sinh sống, phát triển của các loài thủy sinh như cá, tôm, cua, ốc… Để khuyến khích người dân tham gia đấu nối nước thải sinh hoạt, nhà máy tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cấp trên về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích người dân, qua đó góp phần làm tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ông Phan Lương Hòa cho rằng, càng về sau công tác tuyên truyền vận động người dân càng khó do công trình xây dựng đã lâu, vật tư, thiết bị không còn phù hợp. Bên cạnh đó, việc đấu nối phải thực hiện tháo dỡ, gây khó khăn, tốn kém cho các gia đình. Nếu được hỗ trợ phần nào kinh phí để khôi phục, hoàn thiện công trình sau đấu nối thì người dân sẽ rất vui mừng, hưởng ứng.

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=467
Quay lên trên