Hình ảnh con trâu trong gốm sứ,sơn mài Bình Dương

Cập nhật: 07-02-2021 | 21:52:18

Trong văn hóa Việt, con trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân, trở thành một biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, là “đầu cơ nghiệp”. Hình ảnh con trâu với dáng vẻ khỏe khoắn, dũng mãnh từ lâu đã được khắc họa độc đáo trong các sản phẩm gốm sứ, sơn mài ở Bình Dương.

 Các em học sinh thích thú khi xem tranh sơn mài về “Ngư - Tiều - Canh - Mục” tại Cơ sở sơn mài Minh Nguyệt (TP.Thủ Dầu Một)

 Gợi nhớ quê hương

Có lẽ không người Việt nào không biết đến những câu ca chan chứa tình cảm này: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Có biết bao câu chuyện cảm động về mối quan hệ giữa con người với loài vật hiền lành này được lưu truyền trong dân gian. Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung; dù xa cách nhiều năm vẫn nhớ chủ, đi xa vẫn nhớ đường về, trả công cho người chăm sóc hậu hĩnh, xứng đáng, đến chết lại xả thân vì con người. Vì thế, hình ảnh con trâu xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật như gợi nhớ về quê hương, nguồn cội.

Về Tương Bình Hiệp, lắng nghe câu chuyện làm nghề của các nghệ nhân sơn mài đất Thủ, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của họ khi đang bận rộn cho những chuyến hàng Tết Tân Sửu 2021. Với nghệ nhân Trần Lễ Trí, chủ cơ sở sơn mài Minh Nguyệt, con trâu là hình tượng chất chứa nhiều tình cảm thân thiết, dẫu ai đó xuất thân từ thành thị hay nông thôn thì hình ảnh con trâu vẫn cứ quen thuộc như từ trong tiềm thức. Theo ông Trí, bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” miêu tả một khung cảnh vô cùng quen thuộc, bình dị của làng quê Việt Nam và cũng là gu mua quà tặng nhau của nhiều khách Tây, khách Việt kiều xa xứ.

Hình ảnh “Chăn trâu thổi sáo” vừa gần gũi, thân thương vừa gợi cho chúng ta tình yêu quê hương Việt Nam vô bờ bến. Hình ảnh này còn được mở rộng thành tranh bộ về “Ngư - Tiều - Canh - Mục”. Con trâu xuất hiện với dáng vẻ khỏe khoắn, dẻo dai cày cấy cùng người nông dân canh tác trên các đồng ruộng. Đến chiều, trên bờ ruộng, con trâu thong dong ăn cỏ cõng trên lưng chú bé mục đồng thổi sáo, thả diều thật yên bình; loáng thoáng vọng về câu hát: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chớ…”.

Với đôi tay tài hoa và lòng yêu nghề, các họa sĩ, nghệ nhân nhiều năm gắn bó với tranh sơn mài Bình Dương đã tạo ra những tuyệt tác nghệ thuật tranh sơn mài mang nhiều giá trị. Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Tấn Công, giáo viên Khoa Sơn mài trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, cho biết con trâu có ý nghĩa rất rộng trong văn hóa Việt. Tùy vào tình cảm của họa sĩ, nghệ nhân mà tranh sơn mài có con trâu cũng được đa dạng về kích cỡ và thể loại: Khảm trai, cẩn trứng, phủ mài, khắc trủng (sơn khắc)…

Hình tượng thịnh vượng

Tìm về các làng nghề heo đất, nhìn mọi người tất bật cho các sản phẩm linh vật đón tết mà lòng nghe như xuân đã đến thật gần. Bên cạnh các sản phẩm heo đất thường ngày, linh vật con trâu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được thiết kế thật tươi vui mang nhiều ý nghĩa chúc phúc cho một năm mới thịnh vượng.

Vừa bận rộn với các đơn hàng đang chờ xuất đi cho các bạn hàng, ông Nguyễn Trung Tâm, chủ Cơ sở heo đất Chú Hậu (làng heo đất Lái Thiêu, TP.Thuận An) vừa cho biết, năm Tý vừa qua khắp nơi chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu mua sắm heo đất không nhiều. Sau khi dịch bệnh được khống chế ổn thỏa, các đơn hàng dồn về và nhiều sản phẩm linh vật trâu may mắn được ưa chuộng. Để chuẩn bị cho đợt hàng này, ông Tâm đã thiết kế 2 mẫu riêng với ý nghĩa cầu chúc cho năm mới thật bình an, thịnh vượng. Linh vật trâu Việt được thiết kế cùng với các biểu tượng may mắn như: Vàng bạc, ngồi trên đỉnh vàng, cây vạn sự như ý, các kiểu chữ phong thủy (phúc, tài, lộc…).

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, doanh nhân Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, cho biết từ xa xưa, hình ảnh con trâu (Sửu) đã gắn bó thân thuộc với cuộc sống của người Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng và in sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc. Trâu tượng trưng cho sự an lành, no đủ với tính hiền lành, chăm chỉ và mưu trí. Trong văn hóa phương Tây, trâu tượng trưng cho sức mạnh và tài lộc. Đặc biệt, trong phong thủy, trâu được biết đến là linh vật trấn yểm hung tinh, mang đến phúc khí, thịnh vượng. Chào đón năm mới Tân Sửu 2021 với khí thế đầy hân hoan, Công ty Gốm sứ Minh Long I đã cho ra đời tuyệt tác tượng trâu.

Con trâu là loài động vật gắn liền với những cánh đồng ruộng, với những người nông dân chân chất giản dị, là người bạn thân thiết lớn lên cùng với tuổi thơ của những cô bé, cậu bé chăn trâu thổi sáo, thả diều... Một con vật hiền lành, cần cù, chăm chỉ, chịu khó, một biểu tượng rõ nét của làng quê Việt Nam, nên vì thế mà tượng con trâu được trưng bày, trang trí ở rất nhiều nơi. Hơn thế, trâu còn là linh vật phong thủy đại diện cho những người tuổi Sửu cho nên việc trưng bày tượng trâu còn mang đến vô vàn những giá trị phong thủy tốt đẹp.

 Với đôi tay tài hoa và lòng yêu nghề, các họa sĩ, nghệ nhân nhiều năm gắn bó với tranh sơn mài Bình Dương đã tạo ra những tuyệt tác nghệ thuật tranh sơn mài mang nhiều giá trị. Tùy vào tình cảm của họa sĩ, nghệ nhân mà tranh sơn mài có con trâu cũng đa dạng về kích cỡ và thể loại: Khảm trai, cẩn trứng, phủ mài, khắc trủng (sơn khắc)… Nhưng tất cả đều gợi nhớ về tuổi thơ yên ả bên cánh đồng quê thanh bình.

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên