Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” vừa được Thủ tướng phê duyệt nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng.
Theo đó sẽ nâng cao vai trò, vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại Nhà nước; bảo đảm các ngân hàng thương mại Nhà nước thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các tổ chức tín dụng, có quy mô lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả và có năng lực quản trị tiên tiến, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015 hình thành được 1 - 2 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh.
Đồng thời với đó là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các ngân hàng thương mại Nhà nước sau cổ phần hóa. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Nhà nước dưới 3% theo tiêu chuẩn phân loại nợ và chuẩn mực kế toán của Việt Nam.
Đề án này cũng nêu sẽ tiến hành phân loại các tổ chức tín dụng thành 3 nhóm trên cơ sở đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động và quản trị, đặc biệt là chất lượng tài sản, công nợ, vốn tự có và mức độ an toàn của tổ chức tín dụng. Ba nhóm bao gồm: tổ chức tín dụng lành mạnh, thiếu thanh khoản tạm thời và yếu kém, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp.
Riêng các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, tổ chức tín dụng yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém...
T.S (tổng hợp)