Tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử (TMĐT) là rất lớn, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn khi tiếp cận phương thức kinh doanh này. Việc hỗ trợ tháo gỡ những thách thức đối với các DN khi tham gia TMĐT, nhất là các DN vừa và nhỏ là rất bức thiết.
Giúp doanh nghiệp định hướng
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, hơn 2 năm đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương. Trước tình hình đó, tỉnh có nhiều biện pháp để thúc đẩy công nghiệp và thương mại dịch vụ, góp phần phục hồi kinh tế. “Trong đó, biện pháp cấp thiết là phát triển thị trường TMĐT tại Bình Dương và hỗ trợ DN bắt kịp xu hướng kinh doanh mới, nhất là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Đưa TMĐT trở thành xu hướng tất yếu, là cơ hội lớn để mỗi địa phương, DN mang sản phẩm của mình đến với toàn thế giới. Điểm quan trọng của hoạt động phát triển TMĐT là nhằm tăng trưởng doanh thu cho bán lẻ đa kênh trên các nền tảng TMĐT. Qua đó, giúp DN định hướng kinh doanh đa kênh, kết nối với đa sàn TMĐT trong và ngoài nước một cách thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn”, bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết.
Các chuyên gia trình bày hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ phát triển thương mại điện tử
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty TNHH Trường Thọ, chia sẻ “với việc thay đổi hành vi trong mua sắm của người tiêu dùng là chuyển từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, bản thân DN cũng nỗ lực thích ứng. Sau 3 tháng triển khai bán hàng trên nền tảng TMĐT chúng tôi tự học hỏi, nỗ lực chuyển đổi để thích ứng”.
Đến với Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023, nhiều DN cũng có sự thay đổi trong phương thức bán hàng. Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, nhiều DN còn “livestream” bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Phương thức bán hàng trực tuyến này đã mang lại những hiệu quả cao trong bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng, nâng cao doanh thu cho DN. Tuy vậy, quá trình bán hàng thông qua hình thức “livestream” của DN cũng gặp không ít bất cập. Sự liên tục thay đổi về thuật toán của các nền tảng mạng xã hội đã gây ra rất nhiều khó khăn cho DN trong quá trình “livestream” bán hàng. DN không thể trao đổi trực tiếp với nhân viên các nền tảng số khi gặp sự cố, mà chỉ trao đổi và xử lý sự cố trên môi trường mạng, rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến doanh thu bán hàng của DN.
Tiềm năng phát triển và lợi ích của TMĐT là rất lớn, tuy nhiên thực tế còn không ít những thách thức đối với các DN khi tham gia TMĐT, nhất là các DN vừa và nhỏ.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, thấu hiểu được khó khăn đó nhằm hỗ trợ DN, tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023, Sở Công thương đã mời các đối tác là các sàn TMĐT, nền tảng kết nối đa sàn TMĐT, đơn vị cung cấp giải pháp truyền thông đa kênh trao đổi trực tiếp cùng DN. Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Shopee giới thiệu về sàn TMĐT SHOPEE và hướng dẫn DN kỹ năng phân phối sản phẩm trên SHOPEE; đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo chia sẻ về ứng dụng giải pháp quản lý và bán hàng đa kênh trên nền tảng Sapo Omnichannel; đại diện Công ty DANDELION Việt Nam giới thiệu về nền tảng TMĐT tư vấn DROPPII và các tiêu chí chọn lọc sản phẩm.
Xây dựng giá trị cốt lõi
Qua khảo sát các gian hàng của các DN tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023, các nhà phân phối, các nhà bán lẻ nhận thấy nhiều DN chưa có sự chuẩn bị kỹ cho hoạt động bán hàng, quảng bá sản phẩm của mình, như: Chưa có danh mục hàng hóa; chưa công khai giá sản phẩm; bao bì sản phẩm chưa toát lên được tính chất đặc sản vùng miền; không cung cấp mã QR truy xuất nguồn gốc; chưa cung cấp được quy cách của sản phẩm… Điều này đã vô tình đánh mất cái nhìn thiện cảm ban đầu của khách hàng đối với sản phẩm. Từ đó, dẫn đến việc đánh mất cơ hội khách hàng tiếp cận, tìm hiểu và mua sản phẩm.
Theo ông Lương Ngọc Văn, DN thay đổi chính mình và xác định, trước khi giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, từ chất lượng, mẫu mã sản phẩm đến cả phương thức bán hàng. Cần tạo được thiện cảm ban đầu của khách hàng đối với sản phẩm của DN mình.
Để giúp DN khắc phục những bất cập trong việc đưa sản phẩm đến với khách hàng, bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết Sở Công thương đã xây dựng chương trình phát triển TMĐT với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ DN từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến.
Tuy nhiên, để các sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận, bản thân các DN phải tự trang bị cho mình những hàng hóa đạt chất lượng, từ tiêu chuẩn kỹ thuật đến bao bì, nhãn mác, đặc biệt là phương thức bán hàng qua tất cả các kênh, từ truyền thống đến hiện đại và các sàn TMĐT.
Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Điều hành WTC thành phố mới Bình Dương, sự phát triển mạnh mẽ của các sản TMĐT như hiện nay là điều mà các DN phải nhận thức và chuyển mình cho phù hợp với xu thế. Dù kinh doanh sản phẩm ở môi trường nào, truyền thống hay hiện đại, thì giá trị cốt lõi sản phẩm vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của DN.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh cho biết thêm, sau Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023, WTC thành phố mới Bình Dương sẽ phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình nâng cao năng lực thúc đẩy các DN vừa và nhỏ tiếp cận với các công cụ trực tuyến cũng như các chiến lược ra thế giới. Cụ thể, trong quý IV-2023, sẽ tuyển chọn 30 DN để đào tạo chuyên sâu giúp các DN có thể trang bị đầy đủ các nền tảng để chuẩn bị sẵn sàng đưa sản phẩm của mình lên nền tảng YouTube của sàn giao dịch quốc tế. Đây là cơ hội rất quan trọng, giúp sản phẩm của DN Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng vươn tầm thế giới. |
TIỂU MY - ANH TUẤN