Hỗ trợ xây dựng thương hiệu: Để nông dân tự tin hội nhập!

Cập nhật: 19-11-2016 | 08:17:36

Đặc điểm nổi bật của nông nghiệp Bình Dương là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp đô thị (NNĐT). Đã có nhiều thương hiệu NNCNC, NNĐT nổi tiếng, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng giá trị nông nghiệp của tỉnh. Và Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 17-2-2016 của UBND tỉnh được xem là sự hà hơi tiếp sức tích cực, quyết liệt, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT - NNCNC, góp phần nâng cao chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nhà.

Nhiều thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng

Từ năm 2011, Bình Dương triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay toàn tỉnh đã có 4 khu NNCNC với diện tích 979 ha, trong đó 103 ha sản xuất theo mô hình NNĐT.

Khu NNCNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) của Công ty CP Nông nghiệp Unifarm (U&I) làm chủ đầu tư, đơn vị tiên phong trong chương trình chuyển đổi và phát triển ngành nông nghiệp của Bình Dương. Với diện tích 412 ha, trong đó có hơn 380 ha sản xuất, trồng các loại cây ăn trái như chuối, cam, quýt, chanh, bưởi phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ để gia tăng giá trị nông sản. Sau khi các mô hình sản xuất thành công và hoàn thiện, công ty chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời liên kết phát triển vùng nguyên liệu bên ngoài.


Thu hoạch, bó hoa Lan để đưa ra thị trường tại trang trại hoa lan dendro của ông Mai Quốc Thái, ở xã Minh Hòa, huyện Dầu tiếng

Ngoài khu NNCNC An Thái, tỉnh Bình Dương còn có 3 khu NNCNC đang hoạt động tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, quy mô 78,5 ha do Công ty TNHH sản xuất thương mại Tiến Hùng làm chủ đầu tư (đạt 70%).

Khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), quy mô gần 472 ha do Công ty CP Đường Bình Dương làm chủ đầu tư đang triển khai trên diện rộng. Tại xã Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên) cũng có khu NNCNC, quy mô 17,6 ha do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư đã thực hiện 100%. Những sản phẩm của các khu nông nghiệp này được tiêu thụ chủ yếu trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Bên cạnh các khu “khủng” này, còn có nhiều nông dân làm doanh nhân với các thương hiệu độc quyền Bưởi Nguyễn Thanh Thủy, Bưởi Đoàn Minh Chiến... và qua dự án Đào tạo Nông dân thành doanh nhân do Báo Bình Dương phối hợp cùng Hội Nông dân và Phân viện Công nghệ sinh học Bio-Nano tổ chức, đã nhân rộng thêm nhiều thương hiệu từ các thương hiệu gạo cội Lan Mai Quốc Thái, Bưởi da xanh không hạt Năm Vận...

Vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu

Bên cạnh những thành tựu kể trên, nông dân Bình Dương vẫn còn rất nhiều khó khăn trên bước đường xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Một số trang trại như chị Nguyễn Thanh Thủy, Mai Quốc Thái, Nguyễn Hữu Vận... cho biết: “Đã xây dựng được thương hiệu nhưng vẫn chưa thể xuất khẩu được sản phẩm. Chúng tôi không dám ký các hợp đồng khi chưa nắm bắt được thị trường cũng như nguồn cung chưa thật sự ổn định”.

Hiện ngoài các trang trại NNCNC và các thương hiệu đình đám kể trên, đa số nông dân vẫn sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, không có sự liên kết, thậm chí còn cạnh tranh, phá giá lẫn nhau. Đây chính là những rào cản gây khó khăn trên bước đường xây dựng thương hiệu nông nghiệp.

Theo ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Vẫn còn nhiều khó khăn để phát triển NNCNC. Cụ thể, một số dịch vụ, vật tư phục vụ cho NNCNC còn phụ thuộc vào nhập khẩu nên “đội” giá thành, khiến việc ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Vốn đầu tư NNCNC ban đầu còn lớn, “quá sức” nông dân. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với nước ngoài còn yếu, nhất là việc sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Hiện đầu ra nông sản chưa thực sự ổn định và phần lớn phải qua thương lái, nên người nông dân hiện rất e dè khi bỏ tiền tỷ ra mua sắm các loại máy móc, phương tiện kỹ thuật để sản xuất các loại nông sản đạt các tiêu chuẩn. Ngoài ra, yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, kênh quảng bá!”.

Nhà nước đồng hành, hỗ trợ quyết liệt

Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết kế hoạch, chương trình đồng hành cùng nông dân để hội nhập kinh tế quốc tế: “Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại đa phương và song phương. Nông nghiệp có nhiều thuận lợi để phát triển song cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, từ năm 2015 có hơn 1.400 mặt hàng nông sản có mức thuế suất nhập khẩu là 0%; Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc đến năm 2018, 90% các dòng thuế về mức 0%. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và của chính người nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất theo hướng an toàn dịch bệnh, bảo đảm các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) để giữ vững thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu

Ông Thanh cho biết thêm hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng NNĐT - NNCNC, gắn với chế biến và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò là đầu mối, là trung tâm trong các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Song song đó là thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Không thể tả hết sự vui mừng của các chủ trang trại, các thương hiệu nông nghiệp trước sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là với việc triển khai thực hiện Quyết định 04. Và cùng với tinh thần vượt khó vươn lên của nông dân Bình Dương. Tương lai Bình Dương sẽ xây dựng ngày càng nhiều thương hiệu mạnh theo bước các khu NNCNC An Thái, Tiến Hùng, Đường Bình Dương, Ba Huân, các thương hiệu mang tên cá nhân như Bưởi Thanh Thủy, Phong Lan Mai Quốc Thái... gắn liền với chất lượng VietGAP, GlobalGAP. Được vậy, nông dân Bình Dương sẽ tự tin hơn trong cuộc chiến với nông sản ngoại nhập ngay tại sân nhà và trên trường quốc tế.

Thực hiện Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT - NNCNC, đến nay:

- Đã tổ chức 1 hội nghị cấp tỉnh và 11 hội nghị cấp huyện tại các huyện, thị, thành phố tuyên truyền về các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn do UBND tỉnh Bình Dương ban hành với tổng số trên 800 lượt người tham dự, cấp phát trên 1.000 bộ tài liệu và 10.000 tờ rơi.

- Tổ chức xét duyệt và chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thẩm định 25 phương án vay vốn với tổng số tiền đề nghị vay là 90,1 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 31-10-2016, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã thẩm định, ký hợp đồng được 15 phương án với tổng số tiền duyệt vay là 54,35 tỷ đồng (trên tổng số tiền đề nghị vay là 69,9 tỷ đồng). Hiện đã giải ngân được 28,45 tỷ đồng (giải ngân theo tiến độ thực hiện của phương án).

 

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=508
Quay lên trên