Vào đại học (ĐH) là ước mơ, là nguyện vọng cháy bỏng của hầu hết các bạn học sinh và chính các bậc phụ huynh. Điều đó là vấn đề rất hợp lý và bình thường bởi thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở đa số các quốc gia trên thế giới hàng trăm năm qua đã chứng minh: ĐH là con đường tốt để tạo ra những cơ sở, tiền đề để đi đến thành công cho mỗi người. Ở Việt Nam, một đất nước chịu sự ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Nho giáo và hoàn cảnh lịch sử có quá nhiều thăng trầm nên khát khao vươn lên, nỗ lực khẳng định, mong muốn đổi đời rất mạnh mẽ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế, mục đích học ĐH khá đa dạng và biểu hiện nhiều “vấn đề”: học để đổi đời, làm giàu; học để có việc làm tốt; học cho vui lòng người thân, gia đình; học theo phong trào, thấy bạn học, mình cũng học; học vì bằng cấp, nâng cao sĩ diện; học vì không biết học để làm gì, thôi thì cứ học đại đi rồi tính sau.
Học sinh lớp 12 đang hào hứng tham dự buổi tư vấn tuyển sinh của trường ĐH Bình Dương
Những quan niệm chưa đúng vì mục đích của việc học đã ngăn cản sự phát triển của chính người học và làm cho tài sản tri thức của quốc gia trở nên ít ỏi, nghèo nàn đi trong một thế giới thông tin - tri thức ngày càng phát triển, biến đổi nhanh chóng.
ĐH - dù loại hình nào: nghiên cứu, nghề nghiệp hay ứng dụng đều có chức năng truyền bá, đổi mới, sáng tạo tri thức. Chính vì thế, mục đích người học tới đó là để tiếp thu, làm chủ, vận dụng tri thức vào học tập và cuộc sống, đồng thời tham gia vào quá trình tạo ra tri thức mới. Quá trình học là niềm vui - niềm vui được đến trường khám phá cái mới, cái hay, cái đẹp, cái có ích; là sự hoàn thiện đồng bộ cả tri thức, kỹ năng, thái độ. Sức khỏe, sự giàu có, bằng cấp, việc làm, danh vị… chỉ là hệ quả của việc học mà thôi chứ không phải là mục đích.
Quan niệm như thế sẽ tạo cho người học định hình được nội dung và phương pháp học, hình thành một thói quen tốt - thói quen học - dù đang ngồi trên ghế nhà trường hay đã đi làm. Và quan trọng hơn, đó là động lực phát triển mạnh mẽ, lâu bền của mỗi cá nhân - yếu tố nền tảng, quan trọng của động lực phát triển đất nước.
TH.S TRẦN MINH ĐỨC (Đại học Thủ Dầu Một)