Từ ngày 15-6 ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố thuộc Trung ương. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về lộ trình số hóa trên, báo Bình Dương mở chuyên mục hỏi - đáp Truyền hình số mặt đất để khán giả truyền hình có những chuẩn bị phù hợp nhất trong việc cập nhật thông tin, giải trí của mình từ truyền hình.
Hỏi: Số hóa truyền hình mặt đất là gì?
Trả lời: Số hóa truyền hình mặt đất được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, công nghiệp truyền hình và Nhà nước.
- Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.
Hỏi: Truyền hình số là gì? Truyền hình số làm việc như thế nào?
Trả lời:
- Trong truyền hình số, tín hiệu hình ảnh và âm thanh được truyền dẫn, phát sóng dưới dạng dòng dữ liệu số đã được xử lý (tín hiệu truyền hình số).
Tại phần thu (đầu thu truyền hình số DVB-T2 hoặc tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2), tín hiệu truyền hình số được chuyển đổi ngược lại thành hình ảnh và âm thanh.
- Tín hiệu truyền hình số có thể truyền theo 3 phương thức: phát sóng mặt đất (sử dụng anten thông thường), phát sóng qua vệ tinh (sử dụng anten vệ tinh), hoặc cáp (CATV, IPTV). Truyền hình số sử dụng phương thức phát sóng mặt đất được gọi là truyền hình số mặt đất. (Còn tiếp)
SONG ANH
(Theo Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông)