Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã xây dựng, quản lý nhiều mô hình quỹ hội có hiệu quả và bền vững. Các mô hình này đã giúp vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ; đồng thời tạo nguồn kinh phí chăm lo các gia đình chính sách, hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật, trẻ em các lớp học tình thương...
Hội LHPN tỉnh tuyên dương các chi hội điển hình trong công tác xây dựng, quản lý quỹ hội hiệu quả, bền vững.
Trong những ngày cuối năm này, không khí sinh hoạt ở Chi hội phụ nữ ấp Đồng Sen, xã An Bình, huyện Phú Giáo thật sôi nổi, rộn ràng. Các chị râm ran khoe với nhau vềnhững thành quảhoạt động trong năm 2014. Từ những đồng vốn xoay vòng trong tổ, đã giúp nhiều chị em nghèo có điều kiện vươn lên. Mùa xuân này vì thế như được nhân thêm niềm vui.
Chị Vũ Thị Ngân và chị Hà Thị Xuân là 2 hội viên trong chi hội phấn chấn hơn cả. Năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của chị em trong tổ, 2 chị đã có vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình. Đến nay gia đình 2 chị đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Chị Vũ Thị Vắn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Đồng Sen, cho biết xây dựng quỹ hội là mô hình hoạt động hiệu quảnhất của chi hội trong năm qua. Chi hội hiện có 164 hội viên, tất cảđều tham gia xây dựng quỹ với số tiền 400.000 đồng/năm. Vì thế, chi hội đã giúp cho 21 hội viên vay vốn để vươn lên thoát nghèo. “Trong năm, mỗi hội viên vay sẽ trích 200.000 đồng bỏ vào quỹ hoạt động hội. Ngoài ra, chi hội còn xây dựng mô hình xoay vòng vốn. Mỗi hội viên góp 100.000 đồng/ tháng. Hàng tháng, chị em luân phiên nhận tiền để trang trải cuộc sống...”, chi Vắn chia sẻ.
Còn tại Chi hội phụ nữ khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An cũng có rất nhiều mô hình xây dựng, quản lý quỹ hội hoạt động hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Bé Hà, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố này, cho biết qua tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu của hội viên, tập thể chi hội đã tiến hành xây dựng các mô hình phù hợp, mang lại những hiệu quảthiết thực, đáp ứng được nhu cầu của đa số hội viên tham gia. Cụ thể đến nay, chi hội đã thành lập được 9 mô hình, có 128 hội viên tham gia, với tổng số tiền quỹ gần 47 triệu đồng.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhằm đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, bảo đảm chất lượng hoạt động, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội xây dựng các mô hình hoạt động phù hợp; trong đó mô hình xây dựng nguồn quỹ hội có vai trò quan trọng, góp phần rất lớn vào hiệu quảhoạt động của các cấp hội. Các mô hình đã giúp vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ; đồng thời chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật, trẻ em các lớp học tình thương...
Ngoài ra, các cấp hội còn vận động các nguồn lực từ những nhà hảo tâm để tăng thêm nguồn quỹ hoạt động. Qua nhiều năm liền triển khai thực hiện, đến nay nhiều mô hình quản lý quỹ của hội đã thật sự đi vào cuộc sống. Hiện 91/91 xã, phường, thị trấn đã xây dựng được quỹ hội; 596/599 chi hội có quỹ hội. Có chi hội nguồn quỹ lên đến gần 200 triệu đồng như Chi hội phụ nữ ấp Bưng Riềng, xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết thêm, phát huy những mô hình có chất lượng, đạt hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh có khá nhiều mô hình, hình thức xây dựng, quản lý quỹ hội hiệu quảvà bền vững. Tiêu biểu như Quỹ tuổi thơ, Tổ áo trắng đến trường, Tổ tiếp sức đến trường, Tiết kiệm làm theo lời Bác (Quỹ chung một tấm lòng, nuôi heo đất, sổ vàng), Quỹ ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, Quỹ từ phí ủy thác của vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ tín dụng nhân dân, Câu lạc bộ Phụ nữ tình nguyện, Phụ nữ từ thiện, Nồi cháo nghĩa tình... Qua những hoạt động hiệu quảvà thiết thực, các mô hình đã tạo được niềm tin trong hội viên, từ đó ngày càng gắn bó với tổ chức hội.
• THU THẢO