Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tuyên truyền, giúp hội viên cảnh giác trước các loại tội phạm

Cập nhật: 29-02-2024 | 08:59:05

 Tuyên truyền để nâng cao kiến thức pháp luật của hội viên, giúp chủ động phòng ngừa tội phạm, tránh xa tệ nạn xã hội, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh liên tục triển khai thực hiện trong thời gian qua.

 Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng các cấp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật đến thanh niên công nhân, hội viên. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Cảnh giác trước tội phạm mới

Trao đổi với P.V, bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết theo nhận định từ cơ quan chức năng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin kéo theo các phức tạp về xã hội. Cụ thể là nhiều đối tượng xấu lên mạng dụ dỗ các bé gái, phụ nữ với chiêu bài “việc nhẹ lương cao” để bán vào các quán cà phê, bán sang biên giới. Một số người gặp khó khăn về kinh tế thì bị dụ dỗ liên quan đến “tín dụng đen” hoặc mời tham gia vào các nhóm bán hàng online để thu hoa hồng chênh lệch, sau đó là bị chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội.

Trước các vấn đề trên, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cho chị em, không để chị em trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Song song đó, hội phối hợp với các ban, ngành hỗ trợ cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn và tạo sân chơi lành mạnh cho đội ngũ thanh niên, công nhân xa quê, góp phần giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội.

Cũng theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, thời gian qua, các cấp hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ; chú trọng đến đời sống những gia đình có phụ nữ đi làm ăn xa, đồng thời vận động chịem tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”. Trong năm 2023, ngoài các buổi nói chuyện chuyên đề, hội còn phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức được 25 cuộc tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tư vấn pháp luật ở nhiều lĩnh vực; đăng 4.200 tin, bài với nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên trang thông tin điện tử và fanpage của hội.

Một trong những chương trình được chú trọng thực hiện là Đề án “Tuyên truyền giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn (2017-2027) (gọi tắt là Đề án 938). Theo đó, hội đã kịp thời lên tiếng khi phát hiện phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại và cả vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các cấp hội cũng tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề cho gần 5.000 hội viên, phụ nữ, trẻ vị thành niên; tổ chức hội thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Hôn nhân gia đình”; tuyên truyền hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Phòng, chống xâm hại trẻ em” và tập huấn “Luật Trẻ em, phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em” với hàng ngàn lượt người tham dự.

Hiệu quả từ công tác phối hợp

Nói về công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật giữa Hội LHPN tỉnh và Sở Tư pháp, ông Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng phòng Văn bản tuyên truyền Sở Tư pháp tỉnh, cho biết công tác này giữa hai đơn vị được thực hiện tốt. Cụ thể là Hội LHPN và Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; tham gia hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực.

Hai đơn vị cũng duy trì nhiều mô hình hay và thu hút hàng ngàn thành viên của Hội LHPN các cấp tham gia. Có thể kể đến như mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình” với 1.192 thành viên; Câu lạc bộ “Lá chắn” với 30 thành viên; mô hình “Địa chỉ tin cậy” với 1.394 thành viên; 80 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” với 1.745 thành viên… Qua các mô hình đã tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, trợ giúp nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Trong khi đó, đại diện Công an tỉnh cho biết công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật với Hội LHPN tỉnh thời gian qua được thực hiện thường xuyên, đặc biệt chú trọng việc thăm hỏi, động viên, tặng quà các nữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam An Phước. Theo đó, Hội LHPN và Ban Quản giáo trại giam đã phối hợp tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề cho 300 nữ phạm nhân với chủ đề “Không bao giờ từ bỏ”; tổ chức sơ kết giai đoạn I và tổ chức chương trình “Đồng hành cùng ước mơ hoàn lương” cho 200 phạm nhân. Trong chương trình có các hoạt động ý nghĩa như giao lưu văn nghệ với phạm nhân, tặng công trình sách, triển khai mô hình văn hóa đọc trong trại giam, tuyên truyền Luật Cư trú, tư vấn các kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, hướng dẫn chăm sóc da cơ bản, làm tóc cho nữ phạm nhân, giao lưu thể thao… Các chương trình đã tạo được không khí vui tươi cho các phạm nhân nữ, giúp họ vươn lên cải tạo tốt để trở về với gia đình, xã hội.

 Hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng

 Nằm trong công tác phối hợp giữa Công an tỉnh và Hội LHPN tỉnh, với những phụ nữ đã chấp hành xong án phạt tù tại Trại giam An Phước, Công an tỉnh cung cấp thông tin đến các cấp Hội LHPN để tổ chức thăm, nắm hoàn cảnh, nguyện vọng, từ đó phối hợp ngành chức năng, xí nghiệp trú đóng trên địa bàn để giới thiệu học nghề, tạo việc làm, vay vốn, tham gia sinh hoạt các hoạt động hội, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên ổn định cuộc sống.

Qua phối hợp, năm 2023 hai đơn vị đã giúp tổng cộng 88 trường hợp hoàn lương vay vốn; giới thiệu việc làm, tặng quà, dạy nghề, tư vấn pháp luật, hỗ trợ xe đạp cho con đối tượng với tổng số tiền hơn 535 triệu đồng.

 PHƯƠNG QUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=363
Quay lên trên