Hội nghị do MIMA chủ trì thu hút khoảng 200 đại biểu đến từ trong và ngoài khu vực ASEAN. (Ảnh: Hoàng Nhương/Vietnam+)
Hội nghị lần thứ 6 về Biển Đông, do Viện nghiên cứu Hàng hải Malaysia (MIMA) chủ trì, đã khai mạc sáng 4/10 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với chủ đề “Thúc đẩy tương lai chung trên Biển Đông.”
Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu đến từ các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước ngoài khu vực trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ... cũng như một số tổ chức quốc tế. Đại diện Việt Nam là tiến sỹ Hoàng Thị Tuấn Anh đến từ Học viện Ngoại giao.
Chủ tịch MIMA Ahmad Ramli bin Haji Mohd cho biết hội nghị năm nay tìm cách xác định những thách thức đa dạng, phức tạp và đa tầng lớp trên Biển Đông, vốn đòi hỏi phải có cách tiếp cận nhiều hướng và toàn diện.
Diễn đàn quốc tế "kênh 2" lần này cũng là dịp để kiểm nghiệm nhiều khía cạnh của các vấn đề liên quan đến vùng biển quan trọng này, trong đó bao gồm những tiến triển địa chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương, các quan điểm của ASEAN, những thách thức và cơ hội đối với việc khai thác nguồn lợi biển, tầm quan trọng của công tác ngoại giao đối với việc quản lý những tranh chấp...
Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái Biển Đông, yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại của các thế hệ tương lai.
Hội nghị kéo dài 2 ngày này có tổng cộng 5 phiên họp. Các diễn giả chính, bao gồm tiến sỹ Hoàng Thị Tuấn Anh của Việt Nam, sẽ có những bài phát biểu về các chủ đề chính như Những thay đổi về địa chính trị và các cường quốc ở Biển Đông; ASEAN và trật tự an ninh khu vực; Thúc đẩy thịnh vượng khu vực…
Sau mỗi phiên họp là phần tranh luận giữa các diễn giả với các đại biểu tham dự hội nghị.
Hội nghị quốc tế hàng năm về Biển Đông do MIMA chủ trì là nơi quy tụ các chuyên gia, học giả có uy tín về các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như khu vực ASEAN. MIMA mong muốn thông qua hình thức tiếp xúc "kênh 2" này, các nhà làm chính sách, các học giả và những người có liên quan khác sẽ có được sự đánh giá chính xác về tình hình liên quan đến vùng biển này, đồng thời ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy các phương cách hướng đến việc đạt được sự ổn định và hợp tác khu vực lớn hơn./.
Theo TTXVN