Tuyên truyền vận động nông dân (ND) chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững là điều mà Hội ND TX.Thuận An đang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Đầu tư Ngọc Sơn thành công với mô hình nuôi và sản xuất các sản phẩm từ trăn, cá sấu
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ở TX.Thuận An diễn ra với tốc độ nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, vì vậy hướng đến nông nghiệp đô thị (NNĐT) - kỹ thuật cao để phát triển xanh, sạch và bền vững là vấn đề được chính quyền địa phương, các đoàn thể quan tâm. Bà Trần Ngọc Phương, Chủ tịch Hội ND TX.Thuận An cho biết: Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái, Hội ND TX.Thuận An đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông liên huyện phía Nam thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; tổ chức hội thảo và tham quan các mô hình ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Một số mô hình phát triển NNĐT được triển khai đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đô thị là hoa lan, nuôi cá kiểng, rau mầm… Hiện toàn thị xã có khoảng 150 hộ sản xuất theo mô hình NNĐT. Cụ thể, có khoảng 24 hộ trồng hoa lan các loại; 19 hộ nuôi cá cảnh; trên 30 hộ trồng cây ăn trái chất lượng cao gắn với thương hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”; một câu lạc bộ chăm sóc vườn cây trái đặc sản với 25 hội viên…
Điển hình trong NNĐT là mô hình chăn nuôi, sản xuất gần như khép kín của ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Đầu tư Ngọc Sơn, có trụ sở đặt tại phường Bình Chuẩn. Không chỉ thành công với nghề chăn nuôi trăn, cá sấu; công ty của ông còn chế biến các sản phẩm như giày da, dây nịch, túi xách… từ da trăn, cá sấu cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Hay mô hình khép kín, từ chăn nuôi đến quán ăn của ông Trần Văn Năm, ở phường Vĩnh Phú (TX.Thuận An). Hiện nay, ông đang rất thành công với mô hình nuôi chim bồ câu với thu nhập mỗi tháng từ 40 - 50 triệu đồng. Ông Năm chia sẻ, trang trại bồ câu của gia đình ông chưa đến 2.000 con, chiếm diện tích không quá lớn, vốn đầu tư cũng không nhiều… nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện tại, nguồn bồ câu không đủ cung cấp cho thị trường. Theo nhận định của ông Năm thì làm nông nghiệp cũng giống như những ngành nghề kinh doanh khác, quan trọng là mình biết mạnh dạn đầu tư mô hình mới, phù hợp với thị trường. Mình không nên chạy theo phong trào, bởi dễ gặp phải tình trạng “ứ hàng, rớt giá”, nông dân chắc chắc sẽ chịu lỗ. Thời điểm này, bồ câu đang hút hàng nên được giá cao. Hướng đến phát triển bền vững, ông còn đầu tư theo mô hình khép kín bằng cách mở quán ăn và cung cấp các vật nuôi của mình như bồ câu, heo, gà… cho chính quán ăn của mình.
Song song với việc ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, Hội ND TX.Thuận An còn huy động các nguồn vốn để giúp ND có điều kiện đầu tư những mô hình sản xuất - kinh doanh mới. Bà Trần Ngọc Phương cho biết thêm, một trong những nguồn vốn phát huy được hiệu quả là Quỹ Hỗ trợ ND. Đến nay, tổng nguồn quỹ đạt trên 1,1 tỷ đồng, đã xét cho 1.700 lượt hộ vay. Bên cạnh đó, hội còn giải ngân các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn 120 giải quyết việc làm… Trong 5 năm (2007-2012), hội đã xét cho trên 12.000 lượt hộ vay với số tiền trên 135 tỷ đồng. Đặc biệt, các hội viên còn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thông qua các hình thức bán trả chậm cây - con giống, phân bón… với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng theo bà Trần Ngọc Phương, để phát triển NNĐT, nông nghiệp kỹ thuật cao thì còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi dù trên diện tích đất rất nhỏ để mở ra hướng phát triển cho NNĐT; liên kết ND vào các tổ hợp tác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hình thành mối liên kết giữa hộ ND và hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp và tổ chức khoa học; xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật, công nghiệp sản xuất các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao và tổ chức nhiều mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển NNĐT để thay đổi thói quen sản xuất, chăn nuôi truyền thống của ND…
Phát triển nền nông nghiệp ít đất nhưng hiệu quả cao là hướng đi đúng để giúp bà con nông dân làm giàu khi mà diện tích đất ngày càng thu hẹp.
THU THẢO