Bình Dương hiện có 9 làng nghề truyền thống, từ sản xuất thực phẩm đến thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng được tỉnh công nhận. Thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề này gặp rất nhiều khó khăn do nhiều lý do, khách quan, chủ quan. Sự ra đời của Hội quán làng nghề truyền thống Đất Thủ (trong khuôn viên Nhà Văn hóa Điện ảnh tỉnh, đường 30-4, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) được xem là một giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến khách hàng.
Du khách trẻ thích thú với các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ trưng bày tại Hội quán làng nghề Đất Thủ
Sức hút của làng nghề truyền thống
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết thời gian qua các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến Bình Dương được đơn vị du lịch giới thiệu tham quan các làng nghề truyền thống. Khách du lịch đến các làng nghề này rất thích thú và muốn được trải nghiệm thực tế, được cùng với người thợ tham gia quy trình sản xuất, làm ra sản phẩm rồi mua luôn sản phẩm truyền thống của Bình Dương để làm kỷ niệm. Để thu hút khách du lịch, tham gia các kỳ hội chợ triển lãm du lịch trong và ngoài nước, trung tâm đều mang theo những sản phẩm truyền thống của tỉnh để trưng bày và bán cho du khách.
Hiện toàn tỉnh có 9 làng nghề truyền thống được công nhận, như Làng nghề bánh tráng Phú An (TX.Bến Cát), chạm, điêu khắc gỗ (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), sản xuất guốc mộc (TX.Thuận An)... Trong số này, hiện chỉ có Làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp là phát triển tốt nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại và kết hợp sản xuất với quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Là người trong cuộc, ông Nguyễn Minh Trung, chủ cơ sở sản xuất guốc mộc Sáu Dẽo (khu phố 6, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Hiện nay, ở Bình Dương nhiều người làm nghề truyền thống là vì đam mê, chủ yếu chờ khách mối đến mua hàng chứ chúng tôi làm sao biết quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hơn nữa đồng vốn của nhà sản xuất cũng có hạn, làng nghề nằm sâu trong khu dân cư ít người biết đến nên khách hàng ngày một thưa dần”.
Mang làng nghề ra phố thị
Hội quán làng nghề truyền thống Đất Thủ do Công ty Cổ phần Kim Hoàng Hiệp làm chủ đầu tư. Đây là mô hình xã hội hóa công tác bảo tồn, quảng bá sản phẩm truyền thống kết hợp với du lịch theo chủ trương của UBND tỉnh. Bà Nguyễn Bửu Đoan Thanh, chủ đầu tư Hội quán làng nghề Đất Thủ, cho hay lợi thế của công ty là có nhiều đối tác, khách hàng, vì vậy rất thuận lợi trong việc giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại kết hợp phát triển du lịch đến các làng nghề truyền thống theo hướng xã hội hóa. Hội quán không đặt nặng yếu tố lợi nhuận mà hướng đến sự kết nối, tạo niềm vui và sự hài lòng cho mọi người.
Tại Hội quán làng nghề truyền thống Đất Thủ, mỗi gian tập trung trưng bày, giới thiệu sản phẩm của từng làng nghề từ thủ công gắn liền với quê hương Đất Thủ như mỹ nghệ, gốm sứ, ẩm thực truyền thống. Các sản phẩm trưng bày tại hội quán cũng được các nhà sản xuất hỗ trợ mô hình sản xuất nên khách hàng có thể trải nghiệm thực tế làm nghề ngay tại khuôn viên hội quán.
Ông Trung tâm tình, thời gian qua nhiều cơ sở sản xuất nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như chạm, mộc, điêu khắc gỗ phải ngưng hoạt động vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Có được hội quán làng nghề hoạt động theo chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, những người làm nghề truyền thống như ông rất phấn khởi. Trong thời gian tới, hội quán nên kết hợp với các ngành chức năng, địa phương tiếp tục thông tin về hoạt động để các hộ sản xuất làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh biết và gửi sản phẩm đến trưng bày, tạo thêm cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết sau thời gian hoạt động theo chủ trương xã hội hóa của tỉnh, sở cho rằng chủ đầu tư Hội quán làng nghề truyền thống Đất Thủ cần mở rộng tầm hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làng nghề truyền thống đến rộng rãi khách hàng, công chúng theo hướng xã hội hóa.
DUY CHÍ