Ngày 30-7, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến công Đánh thắng trận đầu – 50 năm nhìn lại”. Đây là hoạt động trọng tâm kỷ niệm 50 năm “Đánh thắng trận đầu” của quân và dân miền Bắc (ngày 2 và 5-8-1964 / ngày 2 và 5-8-2014).
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các tướng lĩnh, nhà khoa học và nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia “Đánh thắng trận đầu”. Hội thảo tiến hành dưới sự điều hành của các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân; Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân và Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là lực lượng phòng không của Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân đã chủ động, sáng tạo, đánh trả kiên cường, bắn rơi, bắn bị thương nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái và mở ra truyền thống “Đánh thắng trận đầu” của quân và dân miền Bắc trong cuộc đọ sức với lực lượng không quân, hải quân Mỹ.
Phát biểu đề dẫn của Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật chỉ rõ: Với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị sắc bén, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất, âm mưu, hành động xâm lược của đế quốc Mỹ với cách mạng Việt Nam, từ đó dự báo sớm các tình huống chiến tranh để có thể chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt....
Trong tham luận “Chủ trương chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước âm mưu hành động của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc (1964)” gửi về hội thảo, PGS,TS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử (Trường Đại học KHXH&NV) đã hệ thống các chủ trương chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định đó là sự chuẩn bị chu đáo đưa miền Bắc vào thời chiến, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đại tá, PGS, TS Đỗ Minh Thái, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân phân tích, khẳng định: “Tầm nhìn chiến lược sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước giữ vai trò quyết định trong “Đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng hiệp đồng khác”.
Các đại biểu đã rất xúc động, khâm phục ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của bộ đội ta, khi nghe các nhận chứng lịch sử kể lại trận chiến đấu 50 năm trước. Đại tá, CCB Nguyễn Xuân Bột, Thuyền trưởng tàu 333, kiêm Phân đội trưởng Phân đội 3 trực tiếp chỉ huy đánh tàu khu trục Ma-đốc cho biết: Theo tính toán phải có 12 tàu ngư lôi mới đánh được một tàu khu trục, nhưng ta chỉ có 3 tàu, máy móc trang bị, thông tin liên lạc khó khăn, chủ động tiếp cận, phóng ngư lôi tiêu diệt tàu địch... Đối mặt với quân thù, kể cả khi bị không quân địch đánh bị thương và hy sinh, cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn vững vàng quyết tâm, không hề nao núng, đánh đuổi tàu địch ra khỏi vùng biển nước ta.
Kể lại trận đánh máy bay địch ngày 5-8-1964 tại Hòn Gai (Quảng Ninh), CCB Ngô Văn Nuôi, nguyên là chiến sĩ pháo thủ số 5, Đại đội 143, Tiểu đoàn 217, cho biết: "Khi ấy tôi đi phép vừa lên đến đơn vị, sau vài tiếng sau thì máy bay địch tới công kích. Chúng tôi đã cùng các lực lượng tiêu diệt được máy bay địch ngay tốp thứ 2 bay vào đánh phá. Chiến thắng đó là hệ quả của tinh thần SSCĐ, huấn luyện luyện, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị cả ban ngày, ban đêm và hiệp đồng giữa các thành viên trong khẩu đội và giữa các khẩu đội tạo thành lưới lửa phòng không tiêu diệt quân thù..."
Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi “Đánh thắng trận đầu” của quân và dân miền Bắc, tham luận của các đồng chí: Đô đốc Nguyễn Văn Hiến; Trung tướng Nguyễn Văn Thanh; Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Quốc Trình; Đại tá Nguyễn Đăng Đại…đã rút ra những bài học kinh nghiệm quá báu về chỉ đạo chiến lược, các phương thức, biện pháp để tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm “Đánh thắng trận đầu” gắn với thông tin tình hình, phân tích yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay và nêu 6 bài học để tiếp tục phát huy truyền thống Đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam trong tình hình mới, bảo đảm cho Bộ đội Hải quân luôn chủ động, SSCĐ thắng lợi trong mọi tình huống. Trong đó, nhấn mạnh tới việc xây dựng quân chủng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ. Kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, phát huy truyền thống Đánh thắng trận đầu, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc...
Cần phải làm gì để phát huy truyền thống của lực lượng phòng không-không không quân "Đánh thắng trận đầu" đó là vấn đề Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, đưa ra tham luận tại hội thảo, đồng thời khẳng định yếu tố quan trọng nhất để chiến thắng là yếu tố con người. Do đó, các đơn vị phải giáo dục cho bộ đội ý chí dám đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù, xây dựng niềm tin vào vũ khí trang bị, nghiên cứu đối tượng tác chiến mới, để có cách đánh mới, tăng cường phối hợp, hiệp đồng phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng…
Với gần 30 tham luận được nghiên cứu công phu, đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu phát biểu trực tiếp và gửi về Hội thảo, Hội thảo khoa học “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến công Đánh thắng trận đầu – 50 năm nhìn lại” đã đạt được mục đích, yêu cầu, hoàn thành các nội dung đề ra và kết thúc tốt đẹp. Tổng thuật tham luận Hội thảo, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo đã khái quát: Các tham luận gửi về Hội thảo đã đề cập nhiều mảng nội dung khác nhau, nhưng tựu trung nội dung cốt lõi của các tham luận đã minh chứng và khẳng định rõ những luận điểm khoa học được đặt ra và cách giải quyết. Qua hội thảo này, chúng ta có điều kiện trao đổi, làm sâu sắc hơn những kết quả nghiên cứu về sự kiện Vinh Bắc Bộ và chiến công “Đánh thắng trận đầu”, một vấn đề còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay…
Theo QĐND